Tiếp sức hoàn lương

08:03, 10/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chọn cho mình những con đường khác nhau để hoàn lương và mơ về một cuộc sống mới tốt đẹp của ngày mai. Đồng cảm, sẻ chia và chung tay giúp những người lầm lỗi một thời làm lại cuộc đời. Đó là mục đích cao đẹp của mô hình: “Tiếp sức hoàn lương” mà Công an (CA) huyện Nghĩa Hành đã và đang thực hiện.

Cuộc sống mới…

Cách đây 4 năm, vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh Nguyễn Mạnh Khiêm (SN 1983) ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) phải chấp hành án phạt tù 9 tháng. Khi anh đi tù, cũng là lúc người vợ mới cưới mang bầu đứa con đầu. 9 tháng tù như dài thêm đằng đẵng trong nỗi hối hận và khao khát làm lại cuộc đời của anh. Ngày trở về, nhìn thấy đứa con của mình, anh càng quyết tâm phải bù đắp cho gia đình bằng con đường làm ăn lương thiện.

 Anh Nguyễn Mạnh Khiêm bên “trang trại nhỏ” của mình.
Anh Nguyễn Mạnh Khiêm bên “trang trại nhỏ” của mình.


Được sự hỗ trợ từ địa phương, nhất là anh em CA huyện Nghĩa Hành đã thường xuyên tới lui, động viên và định hướng làm ăn, giúp anh vào làm công nhân tại Nhà máy dăm Mỹ Thịnh. Công việc thời vụ, nhiều thời gian rỗi, anh mạnh dạn vay tiền để sản xuất thêm. Trên mảnh đất của cha mẹ, anh xây chuồng trại, trồng trọt và nuôi đàn gà với hơn 200 con và 2 con bò. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc anh vừa đón con gái đi học về và đang tranh thủ cho bò ăn. Cuộc sống hạnh phúc hiện tại khiến anh càng thấm thía giá trị của tự do và tình cảm của anh em CA huyện với gia đình anh. “Các anh ấy xem mình như người nhà, quan tâm đến cha mẹ, con cái khi mình đi tù và luôn khuyên nhủ, động viên mình làm ăn. Tôi đã hứa với lòng sẽ sống tốt hơn, không phụ sự tin tưởng của gia đình và các anh ấy”, anh Khiêm tâm sự.

Cũng từng nếm trải đủ gian khó trên con đường hoàn lương, giờ đây, anh Nguyễn Phú Quốc (SN1989) đã là ông chủ trẻ của một cơ sở sản xuất đá hoa cương. Đến cơ sở sản xuất của anh tại thôn Vinh Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) vào những ngày “thư thả” sau Tết, chúng tôi mới có dịp nghe anh tâm sự về cuộc đời mình. Quốc sinh ra đã không có cha, mẹ anh qua đời khi anh đang học lớp 9. Chỉ còn bà ngoại đã lớn tuổi và một người dì nuôi nấng, cưu mang anh. Hoàn cảnh khó khăn, Quốc phải nghỉ học từ khi mẹ ốm. Năm 2006, trong một cuộc nhâu, Quốc xích mích gây gổ, gây thương tích cho người khác. Sau khi chấp hành án phạt tù 1 năm 6 tháng, anh trở về quê hương với đôi bàn tay trắng và bao mặc cảm lỗi lầm. “Tương lai càng mù mịt khi đến đâu xin việc cũng nhận được cái lắc đầu vì quá khứ tù tội. Có lúc chán nản, nghĩ cuộc sống như vậy là bế tắc rồi. Nhưng chính những lúc ấy, sự động viên, giúp đỡ của gia đình và các anh CA huyện Nghĩa Hành đã trở thành chỗ dựa, khích lệ tôi quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời”, Quốc tâm sự.

Khởi đầu bằng việc học nghề tại một cơ sở sản xuất đá hoa cương ở Tư Nghĩa, vốn chăm chỉ và lanh lợi, 2 năm sau anh đã vững nghề và tách ra làm riêng. Năm 2013, Quốc lấy vợ và về quê, mở cơ sở sản xuất đá hoa cương trên mảnh đất mẹ anh để lại. Hiện nay, cơ sở của anh đã hoạt động và phát triển ổn định. Khách hàng của anh không chỉ ở địa phương mà còn vươn tới nhiều huyện trong tỉnh. Anh còn tạo việc làm cho 5 thanh niên địa phương với thu nhập mỗi người từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Trong số đó, có những thanh niên từng một thời thất nghiệp, lêu lổng… được “ông chủ trẻ” Phú Quốc cảm hóa, giờ đã tu chí làm ăn.

Cầu nối “hoàn lương”

Cuộc đời mới tốt đẹp của anh Quốc, anh Khiêm… không chỉ là niềm vui của bản thân họ và gia đình mà còn là niềm khích lệ lớn đối với cán bộ, chiến sĩ CA huyện Nghĩa Hành. Từ những thành công bước đầu, CA huyện đã xây dựng nên mô hình “Tiếp sức hoàn lương” để huy động hơn nữa “trợ lực” từ cộng đồng trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của người chấp hành xong án phạt tù.

Anh Nguyễn Phú Quốc tại cơ sở sản xuất đá hoa cương của mình.
Anh Nguyễn Phú Quốc tại cơ sở sản xuất đá hoa cương của mình.


Trung tá Đoàn Dương - Phó Trưởng CA huyện Nghĩa Hành cho biết: Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện có 476 đối tượng tù tha về địa phương. Trong đó, có 217 người không ở địa phương và 24 người tái phạm. Trong số 203 người đang có mặt ở địa phương thì chỉ có 134 người có việc làm ổn định. Qua tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, CA huyện xác định thiếu việc làm chính là yếu tố chính khiến người lầm lỡ “đứt gánh hoàn lương” và nhiều người phải rời xa quê hương, gây khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, mô hình “Tiếp sức hoàn lương” ra đời với mong mỏi là chiếc cầu nối giúp định hướng, giới thiệu việc làm và rút ngắn con đường tái hòa nhập cộng đồng cho họ.

Từ ngày ra mắt đến nay, mô hình “Tiếp sức hoàn lương” đã huy động được 60 triệu đồng từ những mạnh thường quân, làm kinh phí trao tặng 4 xe đạp (mỗi chiếc trị giá 2,5 triệu đồng) và 8 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 1 triệu đồng) cho 12 trường hợp là con em người hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện tốt hơn để đến trường. Theo trung tá Đoàn Dương, thời gian tới, CA huyện sẽ tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và các mạnh thường quân để gây quỹ “Tiếp sức hoàn lương”, đồng thời hỗ trợ người hoàn lương vay vốn làm ăn cũng như tạo việc làm cho họ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.


Bài, ảnh: Hà Xuyên

 


.