Mô hình "2 giảm, 4 giữ" trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở KDC thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương

03:03, 30/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Khu dân cư thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn nằm riêng biệt như một cù lao nhỏ, có địa hình bị chia cắt với trung tâm xã Bình Dương bởi các nhánh sông Trà Bồng bao bọc. Vì vậy việc giao thông đi lại của nhân dân trong khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Mùa nắng nhân dân đi lại bằng cầu tre, mùa mưa thì phải đi bằng phương tiện đò ngang. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông chiếm 90%, các ngành nghề khác chiếm khoảng 10%.

Đời sống kinh tế nhân dân trong thôn tương đối ổn định và có bước phát triển so với mặt bằng chung trên địa bàn xã. Cộng đồng nhân dân trong thôn có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời, các phong trào hoạt động trong thôn tương đối mạnh. Tuy nhiên những năm gần đây tình hình an ninh trật tự trong thôn có nổi lên một số vấn đề như vụ đốt rơm (trong xóm liên tục xảy ra các vụ cháy cây rơm) đã gây hoang mang trong KDC, các vụ việc tranh chấp đất đai, gây rối TTCC, đánh người gây thương tích, nhất là trộm cắp chó, gà vịt, trộm cắp tài sản, tiền bạc làm cho nhân dân lo lắng.

Được sự thống nhất của Đảng uỷ, UBND xã, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội xã Bình Dương (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã chọn Khu dân cư thôn Đông Yên 3 triển khai thực hiện mô hình “2 giảm, 4 giữ” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (sau đây gọi tắt là mô hình). Mô hình được ra mắt vào ngày 14/6/2012.

Đây là mô hình mang tính tự giác, tự quản, tự phòng về an ninh trật tự. Mục đích của mô hình là nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân trong khu dân cư.

 Nội dung của mô hình “02 giảm, 04 giữ”  đó là:  
 
* 02 giảm :
 
1- Giảm tội phạm: Giảm số vụ phạm pháp hình sự, phấn đấu không để xảy ra loại án đặc biệt nghiêm trọng.
 
2- Giảm tai nạn giao thông: phấn đấu giảm trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương; không để xảy ra  các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, không để ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

* 04 giữ :

1- Giữ người:

+ Không để người thân trong gia đình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.

+ Không để xảy ra thiệt hại về thương tích cũng như tính mạng do đánh, cãi, chửi nhau, tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng như các tai nạn khác như: điện giật đuối nước, tự sát…

2- Giữ của:

+ Không để xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản của gia đình, tập thể, Nhà nước do thiếu tinh thần trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, trốn thế, hỏa hoạn…

3- Giữ tình thương:

+ Trong từng gia đình phải hòa thuận, kính trên, nhường dưới, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền.

+ Giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khi khó khăn, hỏa hoạn, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

+ Mọi người có trách nhiệm tham gia quản lý, giúp đỡ người vi phạm pháp luật cải tạo tiến bộ, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, thành người có ích cho xã hội.

4- Giữ xóm làng:

+ Đảm bảo xóm, làng bình yên, an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

+ Ổn định về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, mọi người có ý thức tham gia thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xã hội, vệ sinh môi trường.

Mô hình này đã triển khai hiệu quả trên địa bàn khu dân cư, góp phần quan trọng vào đảm bảo ANTT, năm 2013 được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng, được báo cáo tại Hội nghị tuyên dương mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học cấp tỉnh mã số 02/2013/HĐ-ĐTKHXH do Thiếu tướng, TS. Lê Xuân Hòa - Giám đốc Công an tỉnh làm chủ nhiệm đã tiến hành tổ chức hội nghị tổng kết mô hình tại địa bàn này và rút ra một số giải pháp mà mô hình này triển khai hiệu quả như sau:

Một là: lấy giáo dục của gia đình là chính, bằng cách vận động mỗi gia đình tự nguyện đăng ký một bản cam kết với khu dân cư gồm các nội dung sau:

1. Từng thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội :

- Không trộm cắp; không gây rối trật tự công cộng, không mắc các TNXH; không đánh bạc, số đề, cá độ bóng đá.

- Không vi phạm luật giao thông đường bộ.

- Không sử dụng bộ tăng âm, dàn nhạc từ 22h30 đến 5h sáng hôm sau, trong các tiệc liên hoan, đám cưới, họp mặt…

2. Từng thành viên trong gia đình có ý thức giữ gìn tính mạng và tài sản:

- Luôn giữ an toàn về tính mạng, không để xảy ra tai nạn lao động, điện giật, đuối nước, tự sát….

- Nêu cao cảnh giác giữ gìn tài sản của gia đình, không để xảy ra mất tài sản do chủ quan mất cảnh giác.

- Có tinh thần trách nhiệm giữ gìn tài sản của công.

3. Tích cực cùng bà con nhân dân giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

 - Tự trang bị mỏ tre.

- Tự trang bị bóng đèn chiếu sáng ban đêm ở ngoài ngõ từ 19h tối đến 05h sáng hôm sau.
 
- Tích cực phối hợp cùng bà con nhân dân tấn công trấn áp các loại tội phạm.

4. Giữ gìn đoàn kết trong khu dân cư:

- Xây dựng gia đình, dòng tộc hòa thuận, ông, bà, cha, mẹ mẫu mực; con, cháu thảo hiền, kính trên nhường dưới.

- Giữ gìn tình làng nghĩa xóm, không gây mất đoàn kết trong khu dân cư, có tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn.

- Có tinh thần trách nhiệm động viên giúp đỡ để những người vi phạm pháp luật cải tạo tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng thành người có ích cho xã hội.

Bản cam kết được ép nhựa bằng giấy bìa cứng và được treo trong nhà và được xem như “nội quy” trong gia đình. Để hàng ngày mỗi thành viên trong gia đình nhìn thấy, tự có ý thức tự giác rèn luyện bản thân mình và thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình thực hiện những điều trong bản cam kết với khu dân cư, để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, để hướng tới một KDC không có người vi phạm pháp luật, sống đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm, không có tình trạng trộm, cắp, phá hoại tài sản của nhau, gây gổ chửi bới nhau.

Xây dựng một KDC mà nội bộ nhân dân thật sự đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Nếu trong KDC có xảy ra mâu thuẫn mất đoàn kết giữa người thân trong gia đình hoặc giữa gia đình nọ với gia đình kia thì mọi người trong KDC phải có trách nhiệm tham gia, góp ý xây dựng để hoá giải mâu thuẫn, góp phần giữ vững tình đoàn kết trong khu dân cư.

Hai là: Lấy sức mạnh đoàn kết trong khu dân cư để tấn công trấn áp các loại tội phạm, bằng cách:

Vận động mỗi hộ gia đình trong khu dân cư trang bị 01 cái mỏ tre. Khu dân cư trang bị 1 cái kẻng. Để khi trong khu dân cư có sự việc về hình sự xảy ra thì nhân dân trong thôn dùng hiệu lệnh mỏ tre, dùng kẻng để báo động. Đồng thời vừa tạo khí thế để uy hiếp đối tượng, lấy lực lượng số đông (quần chúng) nhân dân cùng nhau đoàn kết để tấn công trấn áp, vay bắt đối tượng.

Ba là: Dùng đèn chiếu sáng vào ban đêm ở trong thôn để góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Vận động nhân dân đóng góp tiền để thắp sáng điện đường trong thôn từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau vừa tạo cảnh quan, nếp sống văn minh trong thôn vừa hạn chế tình trạng trộm cắp vào ban đêm.

Để duy trì thực hiện mô hình đạt kết quả, trong thôn đã thành lập một tổ quản lý gồm có 9 thành viên. Trong đó đồng chí thôn trưởng làm tổ trưởng, công an viên làm tổ phó, chi hộ trưởng các hội đoàn thể và lựa chọn một số người có uy tín trong thôn tham gia làm thành viên. Tổ quản lý mô hình có trách nhiệm theo dõi đôn đốc vận động nhân dân trong khu dân cư tự giác thực hiện tốt những nội dung đã đăng ký cam kết và theo dõi, nhắc nhở việc thắp điện theo kế hoạch của mô hình.

Đồng thời trong khu dân cư có xây dựng một qui chế thực hiện. Nếu hộ gia đình thực hiện tốt thì được đề nghị biểu dương khen thưởng, nếu ai vi phạm thì tùy theo mức độ đưa ra cảnh cáo trước nhân dân trong khu dân cư.

Với cách làm trên, qua hơn một năm triển khai thực hiện mô hình đã đạt được một số kết quả sau:

- Có 100% hộ gia đình hưởng ứng ký bản cam kết thực hiện với khu dân cư.

- 100% hộ gia đình trong khu dân cư có trang bị mỏ tre, đồng thời đã vận động nhân dân góp tiền mua 1 cái kẻng.

- Vận động nhân dân trong khu dân cư đóng góp được số tiền 9.940.000 đồng mua dây điện, bóng đèn, đã thắp sáng 38 bóng đèn trên các tuyến đường trong khu dân cư, và mỗi hộ dân đóng góp 10.000đ/tháng để trả tiền điện.

Sau khi mô hình ra mắt, mỗi khi đêm về các đường làng trong khu dân cư được thắp điện tỏa sáng thể hiện nếp sống văn minh nông thôn, tạo khí thế phấn khởi trong khu dân cư, không còn bóng đêm cho kẻ xấu lợi dụng.

Hàng tháng tổ quản lý mô hình duy trì họp đánh giá kết quả, 6 tháng tổ chức họp nhân dân sơ kết, qua đó cũng đã đưa 1 người ra cảnh cáo trước dân, được nhân dân đồng tình, bản thân người đó cũng đã ăn năn hối cải.

Ban chỉ đạo cùng với tổ quản lý mô hình cũng đã tổ chức báo động thử 1 lần với tình huống có sự vụ mất trộm xảy ra trong khu dân cư lúc khoảng 11 giờ đêm. Bà con nhân dân trong thôn cũng đã có phản ứng tích cực: tổ chức vây bắt đối tượng thể hiện tinh thần cảnh giác cao.

Qua mô hình chúng tôi nhận thấy ý thức trách nhiệm của người dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở khu dân cư được nâng lên, mỗi gia đình có ý thức trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cháu chấp hành pháp luật, tình làng nghĩa xóm trong khu dân cư gắn bó hơn trước, các vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn khu dân cư giảm đáng kể, đến nay không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn KDC.

Từ kết quả làm được của khu dân cư thôn Đông Yên 3 chúng tôi, đã được Ban chỉ đạo phong trào của xã Bình Dương triển khai nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn xã, đến nay đã có 11/11KDC của xã triển khai thực hiện mô hình này, đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn xã Bình Dương.

Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng xin rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện mô hình như sau:

- Cấp ủy Đảng phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là cấp ủy chi bộ thôn.

- Cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu làm trước để nhân dân thực hiện.

- Đặc biệt quan tâm đến vai trò của người cao tuổi trong thực hiện mô hình

- Định kỳ tổ chức họp KDC sơ kết đánh giá kết quả mô hình và kịp thời khen thưởng những cá nhân tiêu biểu, đồng thời cảnh cáo, nhắc nhở những người vi phạm./.
                  

 Nhóm nghiên cứu đề tài khoa học
 


.