Kể chuyện đấu tranh với địch ở "Địa ngục trần gian"

10:03, 29/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Côn Đảo trước 1975 là một thế giới riêng biệt. Nơi đây, có hẳn một nhà tù của đế quốc để giam giữ tù nhân cách mạng. Chúng đàn áp bằng những ngón đòn nham hiểm về tâm lý, chính trị, nên được gọi là “địa ngục trần gian”. Trong hoàn cảnh ấy, để đấu tranh cho lý tưởng cao cả, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, những người tù cách mạng đã không khuất phục trước những bạo tàn của địch. Từ trong gông cùm,  Chi bộ Đảng vẫn được thành lập để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù...

Sau khi Hiệp định Geneve (7.1954) được ký kết, thực dân Pháp bàn giao Côn Đảo cho ngụy quyền Sài Gòn quản lý (3.1955). Đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai tiếp tục dùng nơi đây làm nơi giam giữ tù nhân.
 

 

Ông Lê Quang Ba bên tấm hình những đảng viên đầu tiên  đứng ra thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong trong nhà tù Côn Đảo, trong đó có ông.
Ông Lê Quang Ba bên tấm hình những đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong trong nhà tù Côn Đảo, trong đó có ông.
“Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, cả miền Nam có hàng trăm nhà lao do địch lập ra để giam giữ những người hoạt động các mạng, nhưng chỉ duy nhất ở nhà tù Côn Đảo thành lập được chi bộ Đảng. Đây là điều đặc biệt, bởi nơi này được gọi là địa ngục trần gian không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả thế giới đều biết. Chi bộ Lê Hồng Phong (1963 -1969) là hạt nhân của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu sau này (1972 - 1975)”.
Ông Lê Quang Ba – Đảng viên chi bộ Lê Hồng Phong, nhà tù Côn Đảo, nói.

Thủ đoạn thâm độc của kẻ thù

Ông Lê Quang Ba (78 tuổi), là Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi, nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ cùng với đồng chí, đồng đội ở Nhà tù Côn Đảo. Ông kể, từ năm 1957, kẻ thù bắt đầu thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Đến năm 1959, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra “Luật 10/59” thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” triệt để hơn, “đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”. Trong khi đó, ở Côn Đảo có Trại tù số I, là nơi giam giữ những người cộng sản. Tháng 4.1960, chính quyền Sài Gòn mở một chiến dịch quy mô, tuyển mộ một đạo quân chống cộng dày dạn kinh nghiệm từ Sài Gòn ra Côn Đảo để đàn áp những người cộng sản ở đây.

Ông Nguyễn Cát, năm nay đã ngoài 80 tuổi (hiện sống tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh), là một trong những người bị địch bắt giam 19 năm ở các nhà lao. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng nhắc lại thời kỳ gian khổ, nhiều lần chết đi sống lại trước những đòn hành hạ trong nhà tù Côn Đảo của địch, ông vẫn nhớ như in. Ông Cát kể, trong tù, các đồng chí luôn đoàn kết, đùm bọc nhau; chia sẻ từ hạt muối, ngụm nước, gánh chịu cho nhau khi đòn roi, cực hình. Anh em luôn tỏ quyết tâm dù phải hy sinh nhưng nhất định không rời tập thể, không bỏ lý tưởng, chống lại bọn chúng bằng hò la, tự rạch bụng mình, tuyệt thực… nhằm nêu cao khí tiết của người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng, bất tuân những dọa dẫm, kiên quyết với lời dụ dỗ, giữ vững khí tiết cách mạng cho đến ngày cách mạng toàn thắng.

Chi bộ Đảng ra đời trong lao tù


 Để có thể đấu tranh với sự tàn bạo và thủ đoạn của kẻ thù, trong suy nghĩ của những đồng chí tù chính trị là phải xây dựng một tổ chức Đảng nhằm đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh. Vì thế, họ bắt đầu học tập các tài liệu trước đây như: Chỉ thị bảo vệ khí tiết, Tám kinh nghiệm chiến đấu, Sáu tiêu chuẩn của người đảng viên... “Khi học tập lý luận có liên hệ bản thân, nhiều người thấy mình sai lầm, khuyết điểm đã nảy sinh bi quan. Nhưng lúc này, mọi người cùng nhau động viên, phân tích để  vươn lên khắc phục hạn chế; phát huy cái tốt, cái tích cực,…”, ông Lê Quang Ba, cho biết. Từ đó, những người cộng sản ở đây đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng mang tên Lê Hồng Phong, vào ngày 1.5.1963, gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lương Thạnh (Chi) làm Bí thư. Ngày 1.11.1963, khi biết tin Ngô Đình Diệm bị đảo chính ở Sài Gòn, Chi bộ Lê Hồng Phong đã phát động cuộc đấu tranh không chào cờ ngụy, chống khổ sai... một cách triệt để, khiến bọn cai trị nhà tù phải chấp nhận yêu sách của những người tù.

 

Lãnh đạo tỉnh gặp mặt những người tù yêu nước ở Quảng Ngãi nhân dịp đón Xuân Ất Mùi 2015.
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt những người tù yêu nước ở Quảng Ngãi nhân dịp đón Xuân Ất Mùi 2015.


Ông Lê Quang Ba kể, khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, 3 ngày sau, bọn cai trị ở Côn Đảo cho tổ chức chào cờ lại. Lúc này, với sự chỉ đạo của Chi bộ Lê Hồng Phong,  những người tù không hát quốc ca của chính quyền tay sai. Điều này làm cho bọn chúng rất bất ngờ, nhưng không thể làm gì được ngoài việc sử dụng đòn roi. Về sau, nhiều hình thức đấu tranh tiếp tục được triển khai mạnh hơn như: Chống khổ sai, chống học tập tố cộng, chống chào cờ ngụy... Vừa đấu tranh, vừa tranh thủ sự phân hóa trong hàng ngũ địch và tay sai để củng cố vai trò lãnh đạo của chi bộ. Với hình thức đấu tranh được tổ chức chặt chẽ như vậy, làm cho uy tín của chi bộ Đảng tăng lên, tiếp thêm tinh thần và ý chí chiến đấu của mỗi người tù yêu nước, giúp họ đương đầu trực diện với kẻ thù.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy (1954 - 1975) giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là cuộc đấu tranh thần kỳ của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến, nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú, trong đó có những người tù yêu nước. Với lý tưởng cách mạng và khí tiết của người cộng sản, họ không khuất phục trước đòn roi tra tấn man rợ của địch, kiên cường đấu tranh với kẻ thù đến ngày toàn thắng.

Trong công trình nghiên cứu, tổng kết lịch sử, đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Nhà tù Côn Đảo (1862 - 1975) của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Chi bộ Lê Hồng Phong (1963) sau này phát triển lên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu (1972 - 1975) được đánh giá là một trong những mô hình sáng tạo độc đáo của tù chính trị Côn Đảo. Ở Quảng Ngãi, địch đã bắt hơn 20 ngàn cán bộ, đảng viên, người tham gia cách mạng giam vào các chi khu, quận lỵ và nhà lao Quảng Ngãi. Ngoài ra chúng còn đày ải hơn 3.000 người đến “địa ngục trần gian” – Nhà tù Côn Đảo...
 

XUÂN THIÊN
 


.