Nhớ Tết cuối cùng ở chiến khu

08:02, 23/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ký ức về tháng ngày vô cùng gian khổ ác liệt, nhưng rất đỗi hào hùng của một thời chiến tranh đạn lửa, trong tôi như vẫn còn hiện hữu. Ngoài kỷ niệm thiêng liêng ấy, những cái Tết ở rừng núi chiến khu, đã để lại ấn tượng khó quên, đặc biệt là Tết Nguyên đán Ất Mão năm 1975. Cái Tết cuối cùng ở chiến khu, cách đây vừa tròn 40 năm.

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, tình hình chiến sự ở các vùng trong tỉnh súng vẫn nổ, hy sinh, chết chóc đây đó vẫn còn, bởi việc phá hoại Hiệp định Paris được chính quyền Sài Gòn âm mưu chuẩn bị từ trước. Nhưng những ngày đầu thi hành hiệp định, các vùng trong tỉnh phần nào có lắng dịu hơn. Tôi còn nhớ lúc này Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi đang ở căn cứ, thuộc xã Long Môn, huyện Minh Long. Sau Tết Quý Sửu năm 1973 các cơ quan của tỉnh được lệnh di chuyển về Đá Sơn thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa. Nhưng sau đó, địch liên tục mở nhiều đợt càn quét lấn chiếm, đánh phá dữ dội, nhiều vùng ta giải phóng đã lâu, nay bị địch chiếm lại, tình hình chiến sự ở một số vùng trở nên căng thẳng và rất ác liệt. Sau Tết Nguyên đán Giáp Dần 1974, các cơ quan của tỉnh phải chuyển về lại căn cứ Long Môn, vùng núi Mum dọc theo Bàu Nung, Nước Lác. Để che mắt bọn địch, Tỉnh ủy đặt tên cho căn cứ mới đến với mật danh “Rạng Đông”. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được bố trí gần suối “Ba Nhà” cạnh đường ô tô dẫn từ Sông Re đi Minh Long.


Đầu năm 1974, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy 5. Tỉnh ủy Quảng Ngãi triển khai kế hoạch đến toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương của ta là đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, đồng thời chủ động tiến công mạnh mẽ, chớp thời cơ đánh chiếm các vùng giải phóng cũ đã bị địch lấn chiếm. Trong năm 1974, ta mở nhiều đợt tấn công, đánh chiếm các chốt điểm lớn ở các vùng then chốt trong tỉnh như: Phú Lâm, Đình Cương, lấy lại một số vùng ở Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, thừa thắng xông lên ta giải phóng quận lỵ Minh Long, Giá Vụt. Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sông Re được hoàn toàn giải phóng.

Trước đó vào ngày 19.5.1974 tuyến đường Đông Trường Sơn đã thông xe đến các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, mở xuống tây Sơn Tịnh vào tây Đức Phổ qua Bình Định. Lúc này việc vận chuyển súng đạn, thuốc men, quân trang… phục vụ cho chiến trường rất kịp thời, hàng hóa từ hậu phương lớn miền Bắc như gạo, đường, sữa, vải vóc… cũng được chuyển về cung cấp cho bộ đội, chiến sĩ, cán bộ thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Vào những ngày cuối năm 1974 đầu năm 1975, tại Hà Nội Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Sau khi tiếp nhận chủ trương của Trung ương và Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra nghị quyết, hạ quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, tiến lên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nghị quyết của Tỉnh ủy được triển khai quán triệt sâu rộng đến cấp ủy, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trong toàn tỉnh, động viên mọi lực lượng, nắm vững mục tiêu và thời cơ, đồng loạt tiến công nổi dậy đánh chiếm các vị trí đã bị địch lấn chiếm.

Các đơn vị vũ trang tuyển chọn thanh niên, du kích bổ sung quân số, tích cực khẩn trương huy động tối đa phương tiện, lực lượng hậu cần, vũ khí, lương thực, dân công cho chiến trường, với tinh thần tất cả cho thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi. Các binh chủng tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy từ lãnh đạo, văn phòng ban, Tiểu ban tuyên văn, Tiểu ban huấn học, Báo Quảng Ngãi giải phóng, Điện ảnh, Đoàn văn công giải phóng, Nhà in, Đài minh ngữ, Đội vũ trang tuyên truyền, Đài phát thanh Quảng Ngãi… được học tập và quán triệt sâu sắc nghị quyết và kế hoạch về cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 của Tỉnh ủy.

Theo chỉ đạo của ban, các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ đi tiền phương, tổ chức cho anh em cơ quan ăn Tết Nguyên đán trước, để kịp về đồng bằng phục vụ chiến dịch. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mão năm 1975 cơ quan Ban Tuyên huấn rất bận rộn, vừa chuẩn bị cho chiến dịch, nhưng không khí đón Tết năm ấy cũng không kém rộn ràng, ai nấy đều phấn chấn.

Các đơn vị của ban sau khi tổ chức ăn Tết, từ ngày 25 tháng chạp tỏa về phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở mặt trận. Ngày 30 tháng chạp, Văn phòng ban tổ chức ăn Tết để sáng mùng 1 Tết tất cả cùng ra quân, vì chiến dịch đã đến gần. Mọi công việc phục vụ Tết năm ấy văn phòng đã chuẩn bị sẵn, các anh ở bộ phận Điện ảnh ngoài miền Bắc mới bổ sung về Ban được phân công lo việc “bếp núc”. Heo, gà, nếp… đã có sẵn, lạt buộc gói bánh chưng chẻ bằng cây giang, lá dong ở bờ suối cần bao nhiêu cũng có. Nhờ khéo tay nấu nướng các anh đã chế biến từ thịt heo ra các món chả giò, chả thủ, thịt đông… không khí chiều 30 Tết rất rộn ràng.

Mặc khác tình hình các chiến trường ta đang ở thế tiến công, ai cũng mong chiến dịch mở ra để sớm giải phóng Quảng Ngãi. Sau cuộc liên hoan chiều 30 Tết, văn phòng chuẩn bị cà phê, thuốc lá, bánh ngọt…để tối đón giao thừa. Tôi còn nhớ chương trình phát thanh đặc biệt đón giao thừa Ất Mão năm ấy của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh viên Trần Phương đọc bài tùy bút: “Tiềm lực cành đào” của Chế Lan Viên. Bên chiếc radio mọi người bồi hồi xúc động nghe như đâu đây còn vang vọng lời chúc Tết của Bác Hồ những năm đón giao thừa trước đó, lòng hướng về Thủ đô Hà Nội, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng vì miền Nam ruột thịt, đang ngày đêm chiến đấu, gian khổ hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất non sông đất nước.

Mùng 1 Tết, sau bữa cơm sáng, mọi người được nhận một nắm cơm trưa có thịt heo kho mặn để ăn dọc đường. Rời cơ quan, đoàn cán bộ của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đi về các chiến trường. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã bắt đầu. Để rồi hơn 2 tháng sau (ngày 24.3.1975) họ gặp lại nhau tại tỉnh lỵ, mừng vui không sao kể xiết, mừng ngày giải phóng.

NGUYỄN NGỌC TRẠCH
 


.