Gặp những người lính C339

09:08, 31/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28.8.1959 – 28.8.2014) đã đi vào lịch sử. Đã 55 năm nhưng ký ức về một thời hoa lửa của những người lính ở C339 – một trong ba đơn vị nòng cốt làm nên cuộc khởi nghĩa vẻ vang ấy vẫn không phai mờ. Giờ đây, dẫu mắt mờ, chân yếu nhưng khi nhắc lại, họ vẫn cười tươi và kể cho nhau nghe quá khứ hào hùng…

Ký ức hào hùng

 Vượt gần 200km từ Kon Tum về Quảng Ngãi để gặp mặt anh em đồng đội trong mùa thu này, ông Võ Văn Sung (79 tuổi) – nguyên Tiểu đội trưởng của C339, bùi ngùi: “Giờ, sức khỏe giảm sút rồi. Nhưng nghe thông tin họp mặt anh em trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày khởi nghĩa Trà Bồng là lòng cứ rạo rực muốn đi ngay. Đi để gặp anh em đồng đội, để nhớ lại một thời”.  Năm 1959, ông Sung được tổ chức phân công làm tiểu đội trưởng. Ban ngày, toàn đội lo tập luyện nhưng đêm đến ông lại cùng anh em thực hiện nhiệm vụ trinh sát đồn địch ở Làng Ngãi. Đêm 27.8.1959, một đêm đáng nhớ trong đời ông. Sau khi được phát lệnh, ông Sung đã nổ phát súng đầu tiên vào đồn Làng Ngãi. Quân địch bất ngờ trước việc quân ta có súng nên đã chạy dạt tứ phía, cả tiểu đội của ông tiêu diệt hơn 10 người, tịch thu súng ống địch.

 

Ông Lâm (bên trái) và ông Lĩnh – nguyên chiến sĩ C339 gặp nhau trong niềm vui, xúc động.
Ông Lâm (bên trái) và ông Lĩnh – nguyên chiến sĩ C339 gặp nhau trong niềm vui, xúc động.


Ông Hồ Ngọc Lâm ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) - nguyên chiến sĩ đơn vị C339 về lại Trà Lãnh (Tây Trà) gặp lại anh em đồng đội cũng mừng ra mặt. Ông hết bắt tay người này, lại chào hỏi người kia. Ông bộc bạch: “Nhớ lắm! Nhớ cái thời khó khăn nhưng tấm lòng ai cũng kiên trung vì cách mạng nên đâu ngại khó”.

Ngày đó, ông Lâm được phân công về đứng cánh hỗ trợ cho đồng bào nổi dậy ở xã Trà Lãnh (nay thuộc huyện Tây Trà). Ban ngày, ông cùng các chiến sĩ của C339 tổ chức tuyên truyền, động viên bà con vót chông, đêm theo dõi hoạt động ở các đồn địch. Đến đêm 27.8.1959 ông Lâm cùng 12 đồng đội đánh vào đồn Eo Chim, Tầm Rung (xã Trà Lãnh). Cùng với súng trường, súng cabin, có hàng trăm mũi tên của đồng bào, tẩm dầu lửa bắn vào đồn địch. “Đó là loại “hỏa công” độc đáo của đồng bào nên địch trong đồn kinh hồn, bạt vía. Chúng một phần bị tiêu diệt, một phần phải đầu hàng” – ông Hồ Ngọc Lâm kể.

Cùng lúc đó, một tổ khác do ông Đinh Hồng Lĩnh, chiến sĩ C339, cùng với đồng bào cũng thẳng hướng tiến công phía tây của đồn Eo Chim. Ông Lĩnh tự hào, kể:  “Hồi đó, súng ống thiếu, nên anh em phải làm bẫy đá, hầm chông, dựa vào thế núi mà đánh giặc”. Đại đội 339, phối hợp với du kích và đồng bào bao vây, tiến công vào đồn bốt, trụ sở của địch, chốt chặn, diệt ác ôn, phá kìm kẹp…giáng những đòn chí mạng vào đội quân tay sai của chính quyền Mỹ - Diệm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đồn bốt, trụ sở của ngụy quyền khắp các xã vùng cao như đồn Đá Líp (xã Trà Hiệp), đồn Eo Reo (xã Trà Nham), đồn Eo Chim, Tầm Rung (xã Trà Lãnh), đồn Tà Lạt (xã Trà Lâm), đồn Nước Vọt (xã Trà Sơn)... bị ta tấn công tiêu diệt.  Rồi từ các xã, C339 phối hợp với lực lượng du kích và đồng bào tiến hành bao vây cô lập quận lỵ Trà Bồng.   

 Tinh thần cuộc khởi nghĩa Trà Bồng lan rộng khắp miền Tây tới các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Nơi đây, đồng bào và chiến sĩ các đơn vị 299, 89 đã phát động phong trào đấu tranh và giành thắng lợi. Miền Tây Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng. Hàng vạn đồng bào các dân tộc anh em của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm.

 Trân trọng quá khứ  

Bây giờ, Trà Bồng, Tây Trà - vùng chiến trường xưa, vùng quê khởi nghĩa, bạt ngàn trong màu xanh của quế, trong màu lúa chín vàng ươm của những cánh đồng. Về thăm chiến trường xưa, những người lính C339 bồi hồi khi bước vào Nhà bảo tàng, khi đến thăm các di tích của khởi nghĩa Trà Bồng. Nhiều người xúc động khi gặp lại hình ảnh của mình treo trong bảo tàng, xem những hiện vật của cuộc khởi nghĩa, cả súng ống tịch thu từ lính ngụy được trưng bày trong bảo tàng. Họ tự hào vì mình đã  vinh dự trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa. Ông Hồ Ngọc Lâm, nguyên chiến sĩ C339, dừng chân trước di tích đồn Eo Chim cảm động nói: “Chỉ mới đây thôi, giờ chúng mình đã quá già rồi. Có người đã mãi mãi đi xa. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, thế hệ mình cũng đã hết sức, hết lòng vì quê hương đất nước”.

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng là một dấu son của cách mạng miền Nam. C339 là một trong những đại đội vũ trang đầu tiên của tỉnh, tham gia cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng bảo tàng, lập bia di tích cuộc khởi nghĩa, cũng như lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận các di tích lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng là di tích lịch sử quốc gia, nhằm ghi nhận công lao của cán bộ và nhân dân trong cuộc khởi nghĩa, trong đó có cán bộ, chiến sĩ C339.

 

Mai Hạ
 


.