Tiểu đoàn 20 anh hùng

09:06, 26/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiểu đoàn 20 bộ binh anh hùng thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị bộ đội chủ lực từng gắn bó với đồng bào miền Tây Quảng Ngãi.

Năm 1948, trong lúc nhân dân cả nước tập trung nguồn lực đánh Pháp, thì tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Quân khu 5 quyết định thành lập Trung đoàn 120 Tây Nguyên. Trung đoàn được thành lập với cơ cấu gồm nhiều tiểu đoàn. Trong đó, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 120 có hàng trăm cán bộ chiến sĩ là người dân tộc Hrê, Cor và Ca Dong. Năm 1961, Tiểu đoàn 3 tách khỏi Trung đoàn 120 lấy tên là Tiểu đoàn 20 trực thuộc Quân khu 5. Ngay lập tức tiểu đoàn trở thành “hạt giống đỏ” và  hạt nhân nòng cốt trong việc lãnh đạo chiến đấu ở các tỉnh Trung Trung Bộ lúc bây giờ.

Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 20 là chiến đấu mở rộng vùng giải phóng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và một số huyện miền núi tỉnh Bình Định. Sứ mệnh của tiểu đoàn là vừa đánh địch vừa tuyên truyền vận động thanh niên tham gia vào bộ đội, vừa bổ sung cho tiểu đoàn vừa xây dựng lực lượng vũ trang cho các huyện miền núi, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc, tạo thế liên hoàn bao vây, cô lập quân ngụy ở Sài Gòn-Gia Định. Đầu năm 1961, Tiểu đoàn 20 được chuyển về hoạt động ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, những người lính con em của đồng bào Hrê, Cor và Ca Dong lại được về với quê hương yêu dấu, nơi đóng quân lúc thì ở huyện Sơn Hà, lúc thì ở Trà Bồng nơi đâu tiểu đoàn cũng nhận được sự đùm bọc, chở che của bà con người địa phương.

Với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã đánh hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Trong đó, có 4 tên cố vấn Mỹ, bắt sống hàng trăm tên, thu giữ hàng nghìn khẩu súng các loại, phá hủy hàng chục xe tăng, bắn rơi 2 máy bay; thu giữ nhiều quân trang, quân dụng của địch.

Anh hùng Đinh Banh, người tham gia nhiều trận đánh của Tiểu đoàn 20 ngày ấy.
Anh hùng Đinh Banh, người tham gia nhiều trận đánh của Tiểu đoàn 20 ngày ấy.


Nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn làm nức lòng nhân dân như trận đánh đồn Tà Ma (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) vào trung tuần tháng 5.1961, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt 1 đại đội quân ngụy, thu 100 khẩu súng, bắt sống 24 lính ngụy. Tiêu diệt 1 trung đội ngụy ở cứ điểm Giá Vực (Ba Tơ). Đầu tháng 7.1961, Tiểu đoàn đã phục kích đèo Trà Nô, thuộc xã Ba Tô (Ba Tơ) tiêu diệt 4 xe thiết giáp và diệt gọn 1 đại đội bảo an, bắt sống 90 tên, thu toàn bộ vũ khí, khí tài. Năm 1962, đánh cứ điểm Trà Lãnh và Trà Phú (Trà Bồng) tiêu diệt gọn 1 trung đội địch.

Tháng 3.1963 được tăng viện cho chiến trường Kon Tum, Tiểu đoàn đã tổ chức phục kích ở đường 5 Kon Tum tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy  2 xe quân sự. Năm 1965, tham gia đánh huyện lỵ Minh Long tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 3 trung đội địa phương quân, thu giữ toàn bộ vũ khí. Năm 1974, Tiểu đoàn đánh vào Trung tâm huấn luyện biệt kích của ngụy tại Giá Vực, tiêu diệt 1 tiểu đoàn biệt kích, bắt sống 103 tên.

Ngoài những trận đánh để lại nhiều dấu ấn, mang lại niềm tự hào cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Tiểu đoàn 20 còn làm tốt công tác chính trị, vận động quần chúng nổi dậy kết hợp công tác binh vận gọi  hàng trăm tên địch bỏ ngũ về với buôn làng, về với quân giải phóng.

Năm 1968, trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân lịch sử, Tiểu đoàn 20 được giao về cho Tỉnh đội Quảng Ngãi, đơn vị được điều động đánh sân bay Quảng Ngãi. Mặc dù chưa thông thạo địa hình, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 20 đã hoạch định sách lược phù hợp với địa hình, tổ chức đánh dồn dập làm cho quân ngụy ở sân bay khiếp sợ. Năm 1975, đơn vị nhận nhiệm vụ giải phóng huyện Sơn Hà, phối hợp với nhiều đơn vị bạn giải phóng quận lỵ Nghĩa Hành.

Sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình đã giao cho đơn vị nhiệm vụ huấn luyện quân sự, học tập chính trị cho 5 đại đội lực lượng vũ trang các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng và Đại đội C18 của tỉnh. Biên chế của đơn vị có lúc tăng lên gần 1.000 đồng chí. Từ năm 1978 đến năm 1984 hàng năm đơn vị nhận huấn luyện tân binh, sau đó bổ sung về các đơn vị, các chiến sĩ được huấn luyện khi về đơn vị mới luôn hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.

Với những chiến công anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, năm 1978 Tiểu đoàn 20  được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Với những cống hiến của mình trong khi làm nhiệm vụ các đồng chí Đinh Banh, Đinh Nghít, chiến sĩ của đơn vị cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Giờ đây, các cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn  không ai còn trẻ, có người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Những chiến sĩ năm xưa còn sống giờ đây tóc đã ngã màu sương. Phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn sống trong lòng họ, các anh vẫn luôn là điểm sáng trong cuộc sống cộng đồng, tham gia công tác xã  hội, vận động con cháu làm tròn nghĩa vụ của người công dân, mãi mãi xứng danh là cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 20 anh hùng.

Bài, ảnh: Đức Toàn

 


.