Từ cánh rừng già đến quyết định lịch sử

10:05, 07/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 60 năm đã trôi qua, khu rừng già Phiêng Tà Lét (bản Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn rợp bóng  che chở những chiếc lán nhỏ xinh, ôm ấp những di tích của quá khứ hào hùng. Nơi đây có lán làm việc và hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.  Từ cánh rừng này, Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình”. Sau ngày chiến thắng, người dân nơi đây gọi là “rừng Đại tướng”.

TIN LIÊN QUAN

Từ thành phố Điện Biên Phủ đi đường ô tô chừng 40 cây số đường dốc mới đến được bản Phăng. Để đến được hầm chỉ huy, phải đi bộ theo đường nhỏ làm bằng bê tông xuyên vào bên trong khu rừng rậm rạp. Dưới bóng mát của những cây cổ thụ, những di tích dần xuất hiện dọc theo đường đi như gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, Nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy... cuối cùng là căn hầm xuyên núi dài 69m, là nơi bàn việc quân cơ Bộ Chỉ huy chiến dịch.

 

Tuổi trẻ Quảng Ngãi trong chuyến về nguồn thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tuổi trẻ Quảng Ngãi trong chuyến về nguồn thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Ngay từ ngày rời Hà Nội lên chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho xây dựng Sở Chỉ huy tại bản Phăng, vì nơi đây là vùng rừng nguyên sinh rất bí mật và có tầm nhìn bao quát cả lòng chảo Điện Biên.

Cuối năm 1953, đầu 1954, kế hoạch đánh tập đoàn cứ điểm lịch sử Điện Biên Phủ được chuẩn bị. Đây là trận đánh đầu tiên Quân đội ta sử dụng đại bác 105 li và pháo cao xạ, nên tinh thần bộ đội vô cùng  phấn chấn. Do vậy, ta chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh" với nhận định rằng, cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng cường thêm quân và củng cố công sự. Để quyết chiến trong trận đánh này, ta đã dồn tổng lực, toàn bộ sức mạnh của dân tộc được huy động cho trận đánh lịch sử này trong 3 ngày đêm. Bộ đội đã “bồng hàng tấn pháo lên non”, chĩa hỏa lực mạnh nhất vào các vị trí của lính Pháp trong cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Tất cả chỉ chờ lệnh tổng tiến công.

Tuy nhiên, trong thời khắc lịch sử này, tại địa điểm chỉ huy ở bản Phăng, với con mắt của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra những khó khăn, sự mạo hiểm và không chắc thắng nếu đánh nhanh. Tại căn hầm chỉ huy, ngày 26.1.1954, đã có một quyết định lịch sử, đó là, hủy phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Một quyết định cân não đã được người chỉ huy cao nhất ở chiến trường đưa ra sau nhiều ngày đêm không thể chợp mắt. Bởi, để đưa được pháo vào trận địa đã tốn bao nhiêu mồ hôi, xương máu của bộ đội, bao nhiêu tiền của nhân dân đã đổ xuống, với quyết định trên thì phải kéo pháo ra, rồi còn tinh thần của bộ đội cũng sẽ bị ảnh hưởng…

Nhưng việc thay đổi cách đánh vì mục tiêu cuối cùng là chắc thắng, nếu mạo hiểm có thể “nướng” hàng ngàn binh sĩ trên chảo lửa chiến trường. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhiều người cho rằng, sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng, nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài”.

 

Hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở Bản Phăng.
Hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở Bản Phăng.


Từ quyết định lịch sử ấy, đưa cuộc chiến từ 3 ngày sang 56 ngày đêm oanh liệt để đi đến chiến thắng cuối cùng. Theo hồi ký của nhiều chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy thì, nếu quyết định ấy không được đưa ra đúng lúc thì có lẽ cuộc chiến sẽ lùi lại 10 năm sau với những tổn thất nặng nề và những người con ưu tú của dân tộc sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài sau này.

Sau 60 năm cuộc chiến đi qua, hôm nay về bản Phăng, thăm Sở Chỉ huy nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từng ở, ta càng hiểu thêm về một con người vĩ đại, một vị tướng thiên tài nhưng có tâm hồn lãng mạn với thiên nhiên. Nơi Sở Chỉ huy đóng chân vừa bí mật nhưng cũng rất nên thơ giữa khu rừng già thơ mộng. Từ đây, người chỉ huy cao nhất tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã đưa ra một quyết định làm nên “vành hoa đỏ, trang sử vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Bài, ảnh XUÂN THIÊN
 


.