Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19.5.1959 - 19.5.2014:
Quân đi điệp điệp trùng trùng...

08:05, 19/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khí thế hào hùng nhất của đường mòn Hồ Chí Minh những năm 1970-1973. Khi ấy, công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam đã tiến tới gần chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Miền Nam, hơn lúc nào hết, cần được chi viện tối đa sức người, vũ khí đạn dược cho cuộc tổng tiến công.

Binh đoàn 559, thường gọi là Bộ đội Trường Sơn, quân số lên đến đỉnh điểm, với sự hiện diện hầu hết các binh chủng như công binh, phòng không, vận tải, thông tin liên lạc, giao liên, trạm quân y, kho quân nhu... rải khắp cả ngàn km từ Quảng Bình vào đến Bù Gia Mập.

Binh đoàn 559 huyền thoại đã tạo điều kiện tốt nhất phục vụ việc chuyển quân, vũ khí, đạn dược, hậu cần cho tiền tuyến lớn. Suốt 16 năm gian khổ và ác liệt, với lực lượng thường trực rất khiêm tốn, lại trải dài hàng ngàn km núi rừng hiểm trở, họ vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho hàng triệu quân, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men từ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn.

Bộ đội miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam.  Ảnh: Tư liệu
Bộ đội miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu


Để đạt chuẩn tư cách đặt chân lên dải Trường Sơn, lớp lớp tân binh miền Bắc khi ấy được tập trung huấn luyện khoảng 5-6 tháng (có đơn vị chỉ 3 tháng), được tập luyện cơ bản về điều lệnh, đội ngũ, kỹ chiến thuật lăn lê bò toài, vây lấn tấn diệt...Sau đợt hành quân dã ngoại đến những nơi như Yên Hưng, Yên Tử - Quảng Ninh, nơi có biển, có hồ sâu để tập bơi, có núi đồi để tập trèo đèo, leo dốc, có nhiều lô cốt hoang thời Pháp để rèn luyện sức khỏe và kỹ thuật tác chiến bộ binh. Kết thúc khóa huấn luyện là kỳ kiểm tra nghiêm ngặt 5 bài chiến thuật cơ bản. Đạt kết quả khá trở lên là đủ “chứng chỉ” vào Nam.

Vào một buổi sáng tinh mơ cuối tháng Chạp năm 1971, tiểu đoàn huấn luyện D915-E51, được đổi phiên hiệu thành D2049-F559. Với vũ khí và hành trang tất cả đều mới toanh, lên tàu hỏa tại ga Nam Định, xuống ga Quảng Bình, chuyển sang xe Jin 3 cầu, tới Bố Trạch - Quảng Bình. Từ đây, một cuộc hành quân bộ, mang  nặng khí tài, nhớ nhà, đói cơm, thiếu rau, thiếu thuốc, rừng cây là nhà, tăng võng là giường, ngủ vùi trên “nền nhạc tự nhiên bất tận của núi rừng Trường Sơn”.

Vào thời kỳ đó, đoàn đi B2 được cấu trúc theo quy mô tiểu đoàn. Biên chế cán bộ khung từ tiểu đội trưởng trở lên. Mỗi đại đội thành lập một chi bộ lãnh đạo hành quân và đặc biệt là giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Tới nơi tập kết, bàn giao quân số và họ trở ra Bắc nghỉ ngơi một thời gian để rồi lại tiếp tục dẫn đoàn khác vào.

Có thể nói Trường Sơn là nơi ác liệt, khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhất lúc bấy giờ. Mỹ - ngụy biết rất rõ tầm vóc và vị trí chiến lược của Đường 559 nên tập trung B52, pháo tầm xa, tầm gần, máy bay trinh sát, máy bay phản lực oanh kích, làm mưa nhân tạo gây lở núi phá đường, thả bom từ trường, bom nổ chậm làm tê liệt tuyến đường, thả chất độc da cam làm trụi lá rừng. Chúng còn dùng cả lực lượng thám báo, cả “cây nhiệt đới” phát hiện bộ đội hành quân để oanh kích...

Nhưng cũng chính nơi này lại là môi trường thực tế phong phú và đa dạng nhất để rèn luyện người lính một cách bài bản và toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, tình đồng đội, sức khỏe và khả năng thích ứng hoàn cảnh chiến trường... Không ít thời điểm gian khổ ác liệt dường như quá sức chịu đựng của con người. Cuối cuộc hành trình, chiến sĩ đều thấy mình đã trưởng thành hơn, cứng cáp hẳn lên.

Các đoàn hành quân phải thực hiện nghiêm ngặt 3 không “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, bảo đảm đội hình, hành quân tới đích 100%. Mỗi bước đi trên đường mòn Hồ Chí Minh là đi trong bom rơi, đạn nổ, trong cái chết luôn rình rập, cận kề, trong khó khăn chồng chất. Điều tưởng như không thể thực hiện được, vậy mà thực tế bộ đội Trường Sơn luôn biến cái không thể trở thành có thể.

Trường Sơn, đâu chỉ có chết chóc vì bom pháo, chất độc da cam, sốt rét rừng, bởi vực sâu, rắn độc... Trường Sơn còn có những thời khắc tuyệt đẹp, nên thơ của hệ sinh quyển đa dạng, phong phú bậc nhất toàn quốc. Thường thì hành quân 3-4 ngày, được nghỉ 1 ngày. Bình minh Trường Sơn mây núi nhấp nhô, mờ tỏ, đẹp như trong tranh thủy mặc. Lính tráng tha hồ tắm suối, luồn rừng, hái rau. Quốc Huy chữ đẹp thì cứ ngày nghỉ là mang sổ ra chép bài thơ “Theo chân Bác” của Tố Hữu. Ngọ “thơ” thỉnh thoảng cao hứng đọc Trần Ninh Hồ: “Chỗ nào tuột võng mà vang tiếng cười/ Đêm rừng, thật có thế thôi/ Sao chưa xa đã rừng ơi nhớ rừng...”.

Chàng Khơi “Phong lan” chui rừng cả buổi quên mệt, thể nào cũng xách được mấy nhánh lan rừng tuyệt đẹp. Nhóm thích cá thì mang màn ra suối, té nước, xua, dồn, vây, kéo lên được dăm ba con cá bằng ngón tay út, đôi khi túm được chú cua đá to kềnh. Chừng ấy thôi, thêm mấy chiếc lá bứa, tí mì chính nữa là có xoong canh ngon nhất trần gian. Lại cũng có Quang “kều” lui cui tìm kiếm chế tác chiếc gậy Trường Sơn thật điệu nghệ. Còn Bôn “còm” chuyên thủ dao găm tìm cây mun cụ, cầu kỳ chuốt đôi đũa đen bóng, để rồi đói bụng lại “Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. Những giây phút nghỉ ngơi tích cực hiếm có của bộ đội Trường Sơn đã góp phần giúp cho người lính lấy được thế cân bằng để đi tới chiến thắng.

Tháng 5 năm 1972, bộ đội đã an toàn tới điểm tập kết tại B2 với 100% quân số và Đoàn 2049-F559 cũng chấm dứt nhiệm vụ lịch sử. Một tuần sau, 15 trong số 27 đảng viên vào Đảng trên đỉnh Trường Sơn được điều đi học lớp đào tạo kỹ thuật cơ yếu tại H8 M8 V102. Số chiến sĩ khác tỏa đi khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ.

16 năm ròng rã (19.5.1959 – 30.4.1975), hằng triệu quân đã hành trình trên tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ để đi tới chiến thắng, đi tới non sông liền một dải. Bộ đội Trường Sơn chính là biểu tượng đỉnh cao của tinh thần yêu nước, ý chí kiên trung, bất khuất, của tư duy sáng tạo, thông minh và bản lĩnh kiên cường của quân đội ta.

Kỷ niệm 55 năm Bộ đội Trường Sơn, đi trên con đường Hồ Chí Minh  thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay, càng thấm thía hơn câu thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng”.
       

Văn Phong
 


.