Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh và bản tình ca thời chiến

10:03, 27/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mảnh đất Bình Đông (Bình Sơn) nổi tiếng thành đồng cách mạng đã thúc giục chàng trai Trương Hồng Anh mới 16 tuổi đã “nhảy núi”. Mới 22 tuổi, anh đã là Tiểu đoàn trưởng, 35 tuổi là Sư đoàn trưởng. 30 năm qua, kể từ ngày Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Trương Hồng Anh hy sinh (2.4.1984), đồng đội cùng gia đình lại bồi hồi nhớ về anh với tất cả niềm ngưỡng mộ và thương tiếc.

“Anh ấy xứng đáng là anh hùng”

CCB Trung đoàn 1 Mai Trung Ty hiện ở phường Tân Sơn Nhì (Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) là người có nhiều năm gắn bó với Trương Hồng Anh. Anh Ty nói trong niềm xúc động: “Tôi biết anh ấy từ trận Ba Gia. Đến trận Hiệp Đức 17.11.1965, Hồng Anh đã thể hiện bản lĩnh chiến sĩ trung đoàn thép. Khi Đại đội 2 của Tiểu đoàn 3 đánh chủ công cứ điểm Đồi Sơn và quận lỵ Hiệp Đức, ở hướng tiến công chủ yếu, đến hàng rào cuối cùng thì chiến sĩ bị thương và hy sinh gần hết, Tiểu đội trưởng Trương Hồng Anh đã xung phong dưới tầm đại liên như mưa của địch, dùng thủ pháo đánh dứt điểm, mở toang hàng rào cuối cùng, tạo điều kiện cho hai trung đội phía sau kịp thời lao vào đánh sập các lô cốt, san bằng cứ điểm Đồi Sơn”.

Đại tá Trương Hồng Anh và con gái - năm 1982.
Đại tá Trương Hồng Anh và con gái - năm 1982.


CCB Huỳnh Văn Khả, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 nhớ lại: “Tôi gặp anh lần đầu khi phối hợp một trận đánh. Lúc đó đã nghĩ “Thằng cha này trẻ măng mà chịu chơi, đánh giặc giỏi thiệt”. Sau này, cùng anh đánh hàng chục trận lớn nhỏ cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng, tôi thấy anh xứng đáng là anh hùng. Trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Trương Hồng Anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, tôi là Tiểu đoàn phó. Ở điểm cao 660, đường ống dẫn dầu của địch bị cháy có thể phát nổ bất cứ lúc nào, B52 oanh tạc, rải thảm; địa hình đồi dốc, suối sâu. Anh luôn đi trước đội hình, đưa cả Tiểu đoàn 3 vào vị trí đúng kế hoạch, đánh dứt điểm, không cho địch kịp trở tay, phải cuống cuồng tẩu thoát bằng trực thăng”.

“Trận đánh ở cao nguyên Bô-lô-ven (Lào) năm 1971 là trận nhớ đời. Đây cũng là trận thể hiện tài trí của Trương Hồng Anh”- CCB Nguyễn Sỹ Hùng ở Thái Bình khẳng định. Theo ông thì, để bảo vệ thị trấn Pắc Sòng và vùng mới giải phóng, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn giao Tiểu đoàn Trương Hồng Anh đánh địch ở khu vực Y Tu – Bản Nhík. Tranh thủ thời tiết không thuận lợi do mưa bão, địch chủ quan, Trương Hồng Anh khéo léo đưa đơn vị vượt qua 5 con suối chảy xiết để tiếp cận mục tiêu, tăng cường sử dụng hỏa lực, bí mật xuất phát đồng loạt, làm chủ chiến trường”.

Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng Đặng Xuân Thu vẫn nhớ như in ngày Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh hy sinh mà anh chứng kiến: “Ngày đó tôi là phóng viên của chuyên mục LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Chúng tôi đi từ trên chốt về trên chiếc GMC cũ. Con đường độc đạo chỉ có thể đi được một xe, anh cho xe của mình tránh sang bên để nhường xe chở thương binh về cấp cứu kịp thời. Xe GMC bị trúng mìn tăng của tàn quân Pôn Pốt cài lại. Anh bị nặng nhất. Tôi đã quay nhiều tư liệu về anh, sau đó tổng hợp trong phim “Đường lên Đăng-rếch”. Nhiều lần gặp anh, cùng đi công tác và nghe đồng đội kể lại, tôi vô cùng khâm phục và thương tiếc. Trung đoàn 1 được tuyên dương Anh hùng LLVTND lần thứ 3 năm 1979 có công không nhỏ của anh”.

Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN thì dành những lời yêu mến nhất về người chiến sĩ liên lạc năm xưa của mình: “Trương Hồng Anh có năng khiếu quân sự bẩm sinh. Tuy chưa được học hành cơ bản nhưng chỉ huy chiến đấu rất sáng tạo. Khi tôi làm Tư lệnh Quân khu 5, Trương Hồng Anh phát triển lên đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Đây là một cán bộ có bản lĩnh, dũng cảm, chỉ huy nhiều trận đánh xuất sắc. Đồng chí hy sinh là một tổn thất lớn của Quân khu 5 và của quân đội lúc bấy giờ”.

Bản tình ca thời chiến

Chuyện tình của Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh có thể được xem như bản tình ca thời chiến. Năm 1972, anh ra Hà Nội học ở Học viện Quân sự và tìm được “một nửa” của mình. Đó là khi đến thăm chú ruột tập kết ra Bắc làm ở Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, anh gặp cô nữ sinh Nguyễn Khánh Hà học lớp 8 (hệ 10/10). Cô bé với mái tóc đuôi sam dài quá lưng, đôi mắt tròn,  làn da trắng muốt, lối nói chuyện thông minh là cái cớ anh thường xuyên đạp xe về thăm. Tuy nhiên, niềm xao xuyến chỉ để trong lòng vì Khánh Hà còn đang đi học.

Về Nam lao vào các cuộc chiến đấu nhưng anh không thể không có những phút giây “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Cuối năm 1978, giữa khốc liệt của chiến trường Tây Nam đã thôi thúc anh bày tỏ cảm xúc của mình với lá thư đầu tiên được gửi đi: “Em có còn chờ anh không?”. Thông điệp ấy mở đường cho anh dũng cảm thổ lộ tình yêu với chị vào năm 1979, khi anh là Trung đoàn trưởng ra lại Hà Nội. Cô gái không choáng ngợp trước chiến công hay tài cầm quân của anh mà lại xiêu lòng trước sự kiên trì của chàng trai Quảng Ngãi. Mối tình 10 năm ấy đã kết thúc có hậu. Một đám cưới nhà binh được tổ chức ở Học viện Quốc phòng, tuy chỉ có bánh kẹo, cô dâu chú rể ăn mặc giản đơn nhưng không kém phần tưng bừng, náo nhiệt.

Ít có ai yêu con như Trương Hồng Anh. Cuối tuần ở trường về là y như rằng anh ôm con suốt trên tay, không cho ai đụng vào. Khánh Hồng có nụ cười giống hệt ba mình, đôi mắt luôn tươi tắn, ít khi biết buồn. Con gái mới bi bô thì anh về lại Sư đoàn rồi liên miên theo các chiến dịch bên nước bạn. Dự định đưa vợ con về thăm quê hương Bình Đông, giới thiệu với các em, thắp hương cho cha mẹ bị giặc Mỹ giết hại thành dang dở.

Từ khi đại tá Trương Hồng Anh nằm lại ở Nghĩa trang Quân khu 5, chị Khánh Hà thường xuyên vào miền Trung. Mỗi năm ít nhất một lần, nhiều đến ba lần, chị cho con vào viếng mộ. Có năm mẹ con chị vào ăn Tết ở Đà Nẵng để gần anh. Tính ra cưới nhau 4 năm, nhưng anh chị gần nhau chỉ được chừng 100 ngày. Hạnh phúc ngắn ngủi càng làm nỗi đau thêm dai dẳng.

Cô con gái nhỏ anh chăm bẵm ngày nào bây giờ đã là người mẹ hai con, làm ở Hàng không Việt Nam. Chị Hà không phải lo lắng nhiều về những người em của anh vì họ đều trưởng thành, trong đó Trương Hồng Sĩ, Trương Hồng Quang là sĩ quan cao cấp trong quân đội. 13 năm sau ngày anh hy sinh, chị đi bước nữa với một chủ nhiệm sản xuất phim truyện nhựa sau khi chị kịp hoàn thành luận án tiến sĩ tâm lý học 5 năm ở Nga. Hai người không có thêm đứa con nào. Chị vẫn ở trong căn phòng nhỏ 28m2, tầng 5, khu tập thể Nam Đồng mà sau khi anh mất, mẹ con chị được Bộ Quốc phòng cấp. Tất cả các di vật của anh vẫn còn nguyên vẹn, những bức thư gửi từ chiến trường, các huân, huy chương và tấm áo lính bây giờ đã bắt đầu tự đứt chỉ. Góc ký ức ấy mãi thầm thì cùng chị, dù 30 năm đã trôi qua.

 

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

 


.