Ký ức về những nữ biệt động năm xưa

03:03, 13/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một ngày đầu xuân, Anh Đào và những người đồng đội nữ biệt động đưa chúng tôi về vùng núi Hoàng Ngưu thăm lại chiến trường xưa. Trên con đường 40 năm về trước, con đường màu xanh ký ức rực rỡ giữa bạt ngàn sắc thắm của mai rừng trong nắng xuân…

TIN LIÊN QUAN

Âm vang ký ức một thời

Nằm ở phía tây thành phố Nha Trang, dãy núi Hoàng Ngưu (Đồng Bò) sừng sững như bức tường thành, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km tính theo đường chim bay. Đây cũng là căn cứ của các lực lượng vũ trang Khánh Hòa, điểm xuất phát của các tổ biệt động đánh xuống thị xã Nha Trang, căn cứ Cam Ranh và các huyện lân cận ngày ấy. Vạch cây rừng, men theo con đường mòn ngược lên dốc núi, đây rồi gộp Đá Hang - Sông Lô cheo leo bên dòng suối Bà Giải vẫn âm thầm chảy mòn đá cuội. Từ đây phóng tầm mắt xuống phía dưới là một phần quân cảng và dải cát dài cùng với thăm thẳm biển xanh. Vẫn còn đây những phiến đá như chú voi quỳ nằm trầm mặc rêu phong với bao lớp bụi thời gian. Gộp đá nào nơi các chị ngồi thảnh thơi chải tóc sau những ngày đánh giặc, dòng suối mát lành kia chắc hẳn là nơi các anh làm vơi bớt nỗi ưu tư, và vẫn còn đây những vạt rau rừng vẫn mướt xanh như thời con gái.

 

Gặp mặt đồng đội trên chiến khu xưa.
Gặp mặt đồng đội trên chiến khu xưa.



Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, thị xã Nha Trang bị giặc vây ráp, khủng bố gắt gao, nhiều cơ sở của ta bị vỡ, hoạt động trong nội thành rất khó khăn. Đội biệt động Thành phải rút về căn cứ và chia thành từng tổ công tác nhỏ, hoạt động rải khắp từ Hòn Chùa, Dốc Gạo - Vĩnh Trung len về suối Phi Châu, Đá Bàn - Sông Lô, trải dài đến Cam Ranh …

Nhiệm vụ của họ là tiếp tục gầy dựng cơ sở và tuyên truyền hoạt động trong dân, tổ chức huấn luyện lực lượng biệt động, điều tra tình hình địch và chuẩn bị cho những trận đánh mới. Tổ của Hai Long bám trụ ở gộp Đá Hang, tổ của Anh Đào toàn là nữ xuôi về hoạt động ở địa bàn Cam Tân. Hai vợ chồng cách nhau người ở sườn bên này, kẻ ở bên kia dãy núi, như vẫn thường đùa vui “Tây Trường Sơn nhớ Đông Trường Sơn”. Họ len lỏi bám núi, bám làng để xây dựng cơ sở cách mạng với phương châm “bốn cùng” và mệnh lệnh: Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Những ngày địch càn, các anh, các chị phải cầm cự không thể xuống núi.

Những trang nhật ký mà nữ biệt động Anh Đào đã viết trong những năm chiến tranh khốc liệt khiến tôi không thể cầm lòng khi đọc: “Con yêu ơi! Mẹ không được bên con và cho con dòng sữa, mẹ phải về với chiến khu vì nhiệm vụ, Ly ở lại với các dì cho ngoan, nếu có hệ gì đừng trách mẹ nghe con…”. Và người mẹ ấy cố giấu nước mắt ngoảnh lại nhìn con, vắt cạn bầu sữa để lại, ăn vội miếng cơm cháy kịp trở về căn cứ lúc hoàng hôn buông xuống. Có bốn mùa xuân họ đón tết xa nhau, ở ba đầu nỗi nhớ trên vùng giáp ranh với địch. Những kỷ niệm về những ngày tết trên chiến khu đã trở thành ký ức mãi không thể nào quên…

Những “bông hoa” biệt động

Những ngày cuối năm 1971, tổ biệt động 3 người do Anh Đào, Sáu Dung và Út Huệ với mật danh A14-C7 về nắm địa bàn Cam Tân. Đây là một địa bàn hoạt động khó khăn, bên sườn núi là rừng cây lúp xúp, qua một khoảng đất trống mới tiếp cận được nhà dân. Xung quanh là địch, phía sau là dãy núi Hòn Rồng sừng sững. Nếu đụng giặc các chị chỉ còn cách mở đường máu rút về căn cứ. Tổ ba người phải di chuyển chỗ ở liên tục, lương thực mang theo phải chôn dấu, chỗ đi lấy nước phải đi qua một quãng đường rừng khá xa. Năm ấy Anh Đào hai mốt tuổi, người con gái đất Quảng, nhỏ nhắn, thông minh gan góc ấy đã có nhiều chiến công vang dội.

Nụ cười nữ biệt động bên chiến khu xưa.
Nụ cười nữ biệt động bên chiến khu xưa.


Đáng nhớ là trận đánh của mùa xuân 1969, khi chị áp sát ném lựu đạn vào địch ở khách sạn Thắng Lợi - Nha Trang. Dẫu phút quả cảm ấy đã làm chị mất đi mắt phải, mắt trái vẫn còn mảnh đạn nhưng nghị lực phi thường chị vẫn tiếp tục cùng đồng đội vượt qua biết bao thách thức, nghiệt ngã giữa cuộc chiến tranh cam go, ác liệt. Đứa con gái đầu lòng chưa đầy hai tháng tuổi chị đành phải gửi lại hậu cứ để đi làm nhiệm vụ. Út Huệ, Sáu Dung vừa tròn mười tám sôi nổi hồn nhiên như đóa hoa rừng, thoắt vui buồn mà đánh giặc gan dạ, dũng cảm. Anh Đào nhớ lại: Năm ấy chiến tranh diễn ra ác liệt, trong nội thị và ngoại thành giặc kiểm soát rất ngặt, việc đi lại trinh sát và xuống dân rất khó khăn.

Cái tết đã đến gần, lương thực cũng đã vơi. Đêm tất niên năm ấy đến sớm, đó là ngày 25 tháng chạp năm 1971. Không gian trong hang đá dẫu chật chội, nhưng họ vẫn căng tấm tăng làm phông, có bàn thờ Tổ quốc và treo ảnh Bác Hồ và đặc biệt vẫn có cành mai rừng ấm áp. Xúc động nhất là lúc các chị làm lễ tưởng niệm những đồng chí đã hy sinh, họ mời  đồng đội về ăn tết, chỉ giản dị vậy thôi mà thiêng liêng đến lạ. Họ lặng lẽ, những ánh mắt, trái tim rộn ràng nghe pháo nổ, lòng bâng khuâng da diết nhớ quê hương, gia đình. Tội nhất là Sáu Dung, em sinh ra ở làng biển, dường như em đã có người để nhớ mà họ chưa dám nói. Còn Út Huệ, cô gái bên dòng sông Trà Khúc có cặp mắt đen, tóc tết đuôi sam lắm khi nhớ mẹ lại ôm lấy chị Đào nũng nịu. Phút giao thừa trôi qua thật thiêng liêng, ấm tình đồng đội, ba chị em ôm nhau khe khẽ hát.

Có một câu chuyện xảy ra trong cái tết năm ấy bây giờ kể lại Anh Đào vẫn còn cảm giác rợn người. Sáng ngày mồng một tết năm ấy, lợi dụng địch canh phòng sơ hở,  chị quyết định đi lấy nước ở đoạn suối Ba Li cách nơi đóng quân gần 2km, sát với các đồn, bốt của địch.

Ngày đó các chị dùng săm xe lam đựng nước, mỗi ruột xe đựng được khoảng 15 lít nước. Lúc về vai mang nặng vừa súng và nước, hai tay vạch cây rừng cúi gập người thầm bước. Khi đi qua một vạt lau sậy, như có linh tính mách bảo chị dừng bước quan sát động tĩnh. Một luồng điện chạy khắp sống lưng, khi mắt chị bắt gặp một cảnh tượng hãi hùng: Cách chỗ chị đứng chừng mấy chục bước chân, trên tảng đá một con hổ vằn chừng hai tạ đang há ngoác cái miệng đỏ lòm ra ngáp sau giấc ngủ. Khắp người chị như tê cứng, toàn thân nghe ớn lạnh.

Sau phút hoảng sợ, chị dần trấn tĩnh, bản năng sống trỗi dậy, xác định không thể chạy, không dám bắn vì sợ lộ đơn vị. Cúi thấp người hơn, chị lê dần từng bước, tâm tưởng lúc ấy chị chỉ biết chắp tay thầm khấn vái… Thật may con hổ đã lặng lẽ bỏ đi chỗ khác bởi thực nó không thấy chị, hay chăng là một điều huyền  bí. Khi đã cách xa chỗ con hổ nằm một đoạn khá xa, chị mới hoàn hồn trở lại. Tối hôm ấy ba chị em lại lặng lẽ đi vào vùng địch, bắt mối với cơ sở để vận động người dân. Sáng mồng hai, trên đường về vị trí đóng quân ba cô gái nhẹ bước giữa một không gian bạt ngàn mai rừng. Những cánh mai mỏng manh trong nắng xuân, khẽ rung lên trong làn gió mới.

Bài, ảnh: Duy Hoàn


 


.