Những quản giáo tận tâm với nghề

01:12, 12/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cải tạo can phạm nhân để họ trở thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng là việc làm khó khăn, vất vả. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng can phạm nhân để có biện pháp quản lý, giáo dục cho phù hợp, giúp họ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.


Bằng sự tâm huyết của mình cộng với tính kiên trì, nhẫn nại suốt 25 năm làm quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh, thiếu tá Ngô Cư luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần gieo mầm thiện cho những cuộc đời đã một thời lầm lỗi. Thiếu tá Ngô Cư cho biết: Năm 1986, anh tham gia vào lực lượng Công an và được phân về công tác tại Trại giam Kim Sơn (tỉnh Bình Định). Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi, anh được điều động về Trại giam Hành Thiện (Nghĩa Hành) và công tác ở Trại tạm giam, Công an tỉnh cho đến nay. Do đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với phạm nhân, nên người quản giáo chẳng khác nào người chủ gia đình, vừa quản lý, giáo dục, vừa theo dõi những biến động về tâm lý của phạm nhân.

 

Can phạm nhân ở Trại tạm giam, Công an tỉnh lao động sản xuất.
Can phạm nhân ở Trại tạm giam, Công an tỉnh lao động sản xuất.


Thiếu tá Ngô Cư cho biết: Để cảm hóa họ, người quản giáo không thể máy móc, làm việc theo kiểu mệnh lệnh mà phải gần gũi, chia sẻ và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, từ đó có biện pháp động viên kịp thời và phù hợp, để họ vươn lên, chấp hành tốt nội quy cải tạo. Trong công tác quản giáo anh Cư nhớ nhất là việc cảm hóa giáo dục phạm nhân Nguyễn Thanh T (SN 1987), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), thi hành án 16 năm về tội giết người. Trong thời gian cải tạo, T. luôn tỏ ra ngang bướng, khó bảo. Tuy nhiên, với tấm lòng của người quản giáo, anh em đã kiên trì thuyết phục, ân cần dạy bảo để T. nhận ra lẽ phải, phấn đấu cải tạo tốt, sớm đoàn tụ gia đình. “Mưa dầm thấm lâu, với sự động viên chân tình của anh em, phạm nhân T. đã có nhiều tiến bộ, yên tâm cải tạo, được xét đặc xá trong dịp 2.9 năm 2013”- anh Cư cho biết thêm.

Cũng như anh Cư, Đại úy Hồ Văn Lực cũng đã có trên 15 năm làm quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Anh Lực cho biết: Can phạm nhân vào trại mỗi người có một số phận, một hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Nhiều người khi vào trại có thái độ bất cần, quậy phá nên cán bộ quản giáo phải có tình thương bao dung, hiểu rõ và chia sẻ những tâm tư với họ. Với phương châm “lấy đức trị không phải lấy pháp trị”, các anh vừa là người thừa hành pháp luật, quản lý, giáo dục phạm nhân; đồng thời cũng là những người bạn giúp họ nhận thức hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra để cảm nhận được giá trị của cuộc sống tự do, lương thiện mà phấn đấu cải tạo.

Với cách giáo dục trên, nhiều người đã tiến bộ được giảm án và tha trước hạn tù. Chẳng hạn như Trịnh Quý L, ở Bình Sơn vào trại thụ án 27 tháng tù vì tội cướp tài sản. Khi vào trại rất ngang ngược, bướng bỉnh, nhưng nhờ sự giáo dục đã biết ăn năn hối lỗi và được ra trại trước thời hạn. Hay trường hợp Nguyễn Văn S, ở Nghĩa Hành can tội cố ý gây thương tích, bị phạt 30 tháng tù. Nhờ được giáo dục, động viên nên S đã cải tạo tốt được giảm án, tha tù trước thời hạn, trở thành tấm gương sáng trong lao động, cải tạo cho phạm nhân trong trại.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Ngọc Ánh - Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Bằng sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, các cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai tốt công tác quản lý, giáo dục can phạm nhân. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các anh luôn gần gũi phạm nhân để quản lý, giáo dục, không để xảy ra tình trạng can phạm nhân trốn trại, thông cung hay gây rối trật tự trong khu giam giữ. Đặc biệt trong năm 2013, Trại tạm giam đã phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Quảng Ngãi tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Tư Nghĩa giới thiệu việc làm cho can phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng.

Từ môi trường học tập, cải tạo ở Trại tạm giam, nhiều phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù trở về với cộng đồng có công ăn việc làm, nhiều người sống chủ yếu từ những nghề học được trong trại, một số người đã vươn lên làm giàu; tỉ lệ tái phạm tội rất thấp.

V. TRA- B. SƠN

 


.