Nhân 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2013):
Nhân dân làm nên sức mạnh của đội quân cách mạng

08:12, 21/12/2013
.

 Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

Lúc đầu, đội chỉ có 34 chiến sĩ. Khác với quân đội của nhiều nước, quân đội ta do Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động sáng lập, thành phần xuất thân đều là con em nhân dân, mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu là: Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho toàn dân. Đây là cơ sở nền tảng để quân đội luôn mang đậm bản chất đội quân cách mạng, yếu tố quyết định tạo nên mối liên hệ bền chặt, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân và quân đội. Vì vậy, quân đội luôn được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ và phối hợp cùng đánh giặc. Chỉ sau hai ngày thành lập, quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh đánh giặc. Được sự giúp đỡ của đồng bào, quân đội tuy lực lượng còn rất nhỏ bé, vũ khí vô cùng thô sơ, đã đánh thắng quân Pháp trong hai trận liên tiếp ở Phay Khắt và Nà Ngần, xây dựng nên truyền thống đã ra quân là đánh thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của quân đội cách mạng.
 

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Ảnh: Bảo Lâm
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Ảnh: Bảo Lâm



Được nhân dân tin tưởng, hết lòng ủng hộ, chỉ sau một tuần đội đã phát triển thành đội quân chính quy, biên chế đến cấp đại đội, vũ khí và trang bị cũng được tăng cường. Xây dựng được lực lượng và thế trận trong lòng nhân dân, quân đội đã đẩy mạnh tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng. Nhân dân được tự do, căn cứ cách mạng được mở rộng, đồng bào đã động viên tinh thần và tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quân đội cách mạng. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển lớn mạnh thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng phát triển, sức mạnh chiến đấu được nâng lên, có sự giúp đỡ và phối hợp đánh giặc của nhân dân, quân đội đã đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng, tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trên cả nước.

Đất nước vừa độc lập, nhân dân vừa được tự do, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, giúp đỡ của nhân dân, quân đội ta đã trưởng thành ngày càng lớn mạnh, đánh thắng quân Pháp trong các trận đánh lớn ở Sài Gòn và Nha Trang năm 1945, Đà Nẵng và Hà Nội năm 1946, chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, Biên giới năm 1950, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva lập lại hòa bình. Nguyện vọng và lòng mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân ta đã bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai từ chối. Chúng tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy mạnh phá hoại hiệp định, cố tình chia cắt đất nước ta thành hai miền. Trước những thay đổi quan trọng ở trong nước cũng như quốc tế, quân đội tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của nhân dân để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên CNXH, tạo sức mạnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân đã hết lòng ủng hộ và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, nguồn tài chính ngày càng lớn, kết hợp với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để xây dựng quân đội hùng mạnh, tạo cơ sở vững chắc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ở miền Nam, mặc dù kẻ thù khủng bố rất quyết liệt, lê máy chém đi khắp các thôn ấp tàn sát những người yêu nước, nhân dân vẫn vững niềm tin son sắt hướng về Đảng, góp sức bí mật xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, tiến hành thành công cuộc đồng khởi trên toàn miền… Được sự cổ vũ động viên, tích cực chi viện và phối hợp tác chiến của nhân dân, quân đội ta đã đánh thắng quân Mỹ ngay từ khi chúng vừa đặt chân vào chiến trường ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme; tiến lên mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, đánh thẳng vào tận sào huyệt của kẻ thù, làm chấn động nước Mỹ và thế giới. Phối hợp với chiến trường, quân và dân miền Bắc đánh thắng bước leo thang chiến tranh bằng không quân và hải quân, tiến tới mở chiến dịch phòng không, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 chấn động địa cầu. Thắng lợi vang dội giành được ở cả hai miền, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải ký Hiệp định Pari, rút quân Mỹ, lập lại hòa bình. Tuy bị thất bại nhưng ngụy quân và ngụy quyền vẫn đẩy mạnh bắt lính đôn quân, lấn chiếm vùng giải phóng. Có sự chi viện của nhân dân miền Bắc và phối hợp tác chiến của đồng bào miền Nam, quân đội ta không chỉ chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng giải phóng mà còn xây dựng được các binh đoàn chủ lực hùng mạnh, thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược. Xây dựng được lực lượng mạnh và thế trận hiểm, quân và dân ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ quốc được thống nhất, nhân dân lại tích cực đóng góp sức người và sức của, xây dựng quân đội nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Quân đội đã có đủ sức mạnh cùng toàn dân đấu tranh giữ vững hòa bình và ổn định, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Bên cạnh đó, quân đội đã tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường... Chính mối liên hệ ngày càng bền chặt, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, nhân dân và quân đội là yếu tố quyết định nhân lên sức mạnh để quân đội ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ, Tổ quốc và nhân dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước ở thời kỳ mới đặt ra.

 

Theo Hà Nội Mới
(Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Thanh Sơn
)


.