Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số công dân

12:12, 07/12/2013
.

Kinh phí dự trù cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, trong đó có mã số công dân, khi triển khai khắp các tỉnh, thành sẽ tốn khoảng 3.500 tỉ đồng.
 

Cấp CMND theo mẫu mới tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội - Ảnh: Hải Hồ
Cấp CMND theo mẫu mới tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội - Ảnh: Hải Hồ



Thông tin trên được thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) - Bộ Công an, cho biết trong cuộc gặp báo chí để trao đổi về việc Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp đổi CMND 12 số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Rút ngắn lộ trình 2 năm

Theo ông Vệ, trước đây Bộ Công an đưa ra lộ trình cấp CMND mới và xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thành 2 giai đoạn: từ 2014 - 2016 sẽ đầu tư trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật và từ 2016 - 2020 sẽ triển khai đồng loạt trên toàn quốc. “Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng yêu cầu gộp lại thành một giai đoạn và phải đẩy nhanh tiến độ để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước được tốt hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phải tiến hành đấu thầu, mời các đối tác nước ngoài giàu kinh nghiệm tham gia hỗ trợ để đạt hiệu quả cao nhất, không xé lẻ thực hiện dự án theo từng tỉnh”, ông Vệ nói.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dự thảo nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân và dự thảo Nghị định về thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư. Bộ KH-ĐT được giao nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng bố trí nguồn vốn ưu tiên thực hiện dự án, tìm nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện dự án.

Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Tổng cục 7, cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức sẽ tạo khả năng kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hạn chế tối đa sự trùng lắp thông tin, giảm chi phí thu thập, quản lý thông tin về dân cư cũng như việc thu thập thông tin liên quan đến quản lý dân cư. Còn theo ông Vệ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tìm kiếm tung tích nạn nhân và xác minh về nhân thân của một con người; bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân được tốt hơn. “Bộ Công an cho rằng, có mã số công dân sớm sẽ giúp cho người dân loại bỏ nhiều loại giấy tờ không cần thiết. Nếu xong mã số công dân mỗi năm tiết kiệm cho nhà nước và dân khoảng 1.600 tỉ đồng”, ông Vệ nói và cho biết kinh phí dự trù cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, trong đó có mã số công dân, khi triển khai trên 62 tỉnh, thành (trừ Hải Phòng đã có dự án thí điểm) sẽ tốn khoảng 3.500 tỉ đồng.

Tồn tại 2 loại CMND

Theo Tổng cục 7, trong việc đẩy nhanh tiến độ về việc cấp mã số công dân, Bộ Công an xác định phải đẩy nhanh việc cấp đổi CMND 12 số, vì 12 số trên loại CMND này được xác định là mã số công dân.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, qua thí điểm tại một số quận, huyện TP.Hà Nội từ tháng 9.2012 đến nay đã có 160.000 người được cấp CMND 12 số. Theo dự kiến, trong tháng 12.2013 và tháng 1.2014, Bộ Công an sẽ triển khai cấp CMND mới đồng loạt tại 27 quận, huyện của Hà Nội. Sau đó sẽ triển khai tại các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên...

Mặc dù đẩy mạnh việc cấp CMND 12 số, nhưng ông Vệ cho biết hiện vẫn tồn tại việc sử dụng song song cả loại CMND 9 số trước đây do không có kinh phí để cấp đổi cho toàn bộ tại 63 tỉnh, thành cả nước. Việc cấp CMND 12 số tới đây cũng chỉ thực hiện đối với người đủ 14 tuổi làm CMND lần đầu hoặc người bị mất có nhu cầu đổi lại, nên việc cấp CMND 9 số vẫn triển khai và cả 2 loại CMND này cùng có giá trị như nhau.

Ông Vệ cũng nhìn nhận việc nhiều người dân đã được cấp CMND 12 số hiện nay gặp phiền hà khi giao dịch ngân hàng hoặc các cơ quan quản lý về nhà đất. “Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp tạo thuận lợi cho người dân nhưng nhiều cơ quan không tin, cứ bắt người dân phải xác nhận việc thay đổi CMND từ 9 số lên 12 số. Trong thời gian tới, nếu người dân cần thì chúng tôi sẽ cấp ngay bản xác nhận việc họ cấp đổi CMND”, ông Vệ nói.

Về kinh phí thực hiện cấp CMND mới, ông Vệ cho biết trước đây Bộ Công an xây dựng đề án cấp đổi 24 triệu CMND mới (giai đoạn 1) khoảng 500 tỉ đồng. “Tuy nhiên, hiện nay giá USD lên và nhiều vấn đề khác nữa nên chắc chắn phải tính toán lại số tiền này. Việc tính toán cấp 24 triệu CMND chỉ là tính toán bước đầu cho một số tỉnh, thành phố bởi chỉ riêng Hà Nội thôi hiện đã có khoảng 5 - 7 triệu người đủ tiêu chuẩn cấp CMND rồi”, ông Vệ nói.

Theo đại tá Vũ Xuân Dung, đối với những công dân sinh sau ngày 1.1.2016 khi làm giấy khai sinh sẽ được ngành tư pháp nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để lấy mã số công dân được cấp một cách ngẫu nhiên. Đến năm 14 tuổi, công dân sẽ được cấp CMND theo đúng mã số công dân được cấp.



Theo Thái Sơn/Báo Thanh niên


.