Hưởng trợ cấp một lần sau khi rời quân ngũ

08:09, 16/09/2013
.

Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị QĐNDVN (Bộ Quốc phòng) giải đáp các thắc mắc về đối tượng, cách tính thời gian hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Các trường hợp không còn lưu giữ giấy tờ vẫn được xét hưởng chế độ do Hội đồng chính sách xã (phường) nơi cư trú xem xét và đề nghị các cấp xét hưởng - Ảnh minh họa Ông Bùi Đăng Vinh (tỉnh Nghệ An) nhập ngũ năm 1977, tháng 6/1989 được đơn vị cử đi lao động hợp tác quốc tế ở Liên bang Nga. Tháng 10/1994, ông Vinh nhận quyết định về nước và xuất ngũ, nhưng chỉ được hưởng chế độ từ tháng 6/1989. Ông Vinh hỏi, thời gian ông làm việc tại Liên bang Nga có được tính hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ không?

 

 

Cục Chính sách trả lời: Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì quân nhân, công an nhân dân nhập ngũ sau ngày 30/4/1975, trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu) ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, truy quyét Fulrô ở địa bàn Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 1/1/1995 hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia BHXH bắt buộc (trừ trường hợp cán bộ xã đã nghỉ hưu hoặc đang công tác mà thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu không được cộng nối với thời gian công tác ở xã) được xét hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định nêu trên.

Thời gian công tác để tính hưởng chế độ, là thời gian công tác thực tế trong quân đội, bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ. Trường hợp, chuyển ngành rồi thôi việc hoặc đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục làm việc ở các cơ quan, đơn vị và tổ chức ngoài quân đội hoặc đi lao động hợp tác quốc tế sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì thời gian công tác ngoài quân đội (không trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế), thời gian đi lao động hợp tác quốc tế không được tính hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ quy định nêu trên thì thời gian đi lao động hợp tác quốc tế tại Liên bang Nga (6/1989 đến tháng 10/1994) của ông Vinh không được cộng nối với thời gian công tác trong quân đội để xét hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định nêu trên.

Bố đẻ bà Trần Thị Thêu (TP. Hà Nội) nhập ngũ năm 1979, tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc, đóng quân tại tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), xuất ngũ năm 1984 nhưng chưa được hưởng bất cứ chế độ, chính sách gì. Sau khi xuất ngũ về địa phương, do mưa bão làm đổ nhà nên bố bà Thêu không giữ được các giấy tờ liên quan. Bà Thêu hỏi, bố bà có được hưởng chế độ, chính sách gì không?

Cục Chính sách trả lời: Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, trường hợp bố của bà Thêu nếu có thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc (thuộc địa bàn và thời gian quy định), hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc đối tượng được xem xét, xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Đối với các trường hợp không còn lưu giữ được giấy tờ vẫn được xét hưởng chế độ do Hội đồng chính sách xã (phường) nơi cư trú xem xét cụ thể và đề nghị các cấp xét hưởng theo quy định. Đề nghị bà Thêu liên hệ với Hội đồng chính sách xã (phường) nơi bố bà cư trú để được hướng dẫn, giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Vinh, nhập ngũ tháng 3/1979 thuộc E.20-F.312 tham gia biên giới, hải đảo giúp bạn Lào, Campuchia, năm 1983 tham gia chiến dịch TN81 mở đường tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông Vinh hỏi, thời gian ông tham gia chiến dịch có được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg không?

Cục Chính sách trả lời: Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, nếu ông Vinh phục viên, xuất ngũ trước ngày 1/4/2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 1/1/1995, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thuộc đối tượng được xem xét, xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định này. Đề nghị ông Vinh liên hệ trực tiếp với UBND xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn và trả lời cụ thể.

Ông Nguyễn Khắc Tâm (tỉnh Nghệ An) sinh năm 1960, nhập ngũ năm 1978, trực tiếp tham gia chiến đấu tại tỉnh Lào Cai và huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, phục viên ngày 30/5/1985. Tháng 7/1985 làm Phó Công an xã với thời gian công tác là 4 năm 7 tháng. Ông Tâm hỏi trường hợp của ông được tính hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg như thế nào?

Cục Chính sách trả lời: Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thì thời gian tính hưởng chế độ đối với đối tượng là quân nhân, công an nhân dân, cơ yếu là thời gian công tác thực tế trong quân đội, công an, cơ yếu.

Đối với các đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức, cán bộ xã, dân quân tự vệ, công an xã, thanh niên xung phong là thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trường hợp đối tượng có thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thuộc các nhóm đối tượng khác nhau thì được cộng dồn.

Đối chiếu với quy định nêu trên, ông Nguyễn Khắc Tâm có thời gian là Phó Công an xã công tác tại xã biên giới phía Bắc thuộc đối tượng được cộng dồn thời gian công tác trong quân đội với thời gian là công an xã trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để xét hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại quyết định nêu trên.

Đề nghị ông Tâm trực tiếp liên hệ với Hội đồng chính sách xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

 

Theo Chinhphu.vn


.