Huyền thoại tàu không số

05:07, 22/07/2013
.

(QNg)- 52 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc “tàu không số” đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam, những câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có sức hút mãnh liệt.     

TIN LIÊN QUAN

“Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”

Tháng 7/1959, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, chi viện cho miền Nam bằng đường biển. Tiểu đoàn được mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Tiểu đoàn 603 ra quân chuyến đầu tiên vận chuyển 5 tấn vũ khí và thuốc men vào Nam. Nơi đổ hàng là bến Hồ Chuối ở chân đèo Hải Vân. Con tàu ra đi và mất tích cùng 5 thủy thủ. Sau thất bại này, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập đơn vị vận tải thủy mới với mật danh Đoàn 759, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng tàu biển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, ngày 23/10 trở thành dấu mốc lịch sử, là ngày truyền thống của Đoàn 759 - đoàn tàu không số.

 

Cựu chiến binh đoàn tàu không số về thăm khu chứng tích Sơn Mỹ (Tịnh Khê, Sơn Tịnh).
Cựu chiến binh đoàn tàu không số về thăm khu chứng tích Sơn Mỹ (Tịnh Khê, Sơn Tịnh).

Đường  Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn, tồn tại  suốt 14 năm ròng. Nó được tổ chức vô cùng bí mật và chặt chẽ từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bến bãi đổ hàng, người bốc hàng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam. Nói là tàu không số, nhưng thật ra mỗi con tàu đều mang một số  hiệu đăng ký tại chỉ huy sở. Trải qua 14 năm (1961-1975) vận chuyển, chi viện chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số đã thực hiện được gần 2.000 chuyến đi; vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, đạn dược; 80.026 lượt người, với đoạn đường gần 4 triệu hải lý. Ngoài ra, các chiến sĩ trên đoàn tàu không số đã trực tiếp chiến đấu với 300 lượt tàu địch; 1.200 lượt máy bay; khắc phục được 4.000 quả thủy lôi; bắn chìm 10 tàu và bắn rơi 5 máy bay địch để vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã ghi nhận, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng tự hào, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Kiên trung trên những con tàu

Khi Đoàn 759 được thành lập, các bến tại vùng biển Đức Phổ, Bình Sơn là những điểm được chọn để Quảng Ngãi tiếp nhận vũ khí tiếp viện từ miền Bắc qua đường Hồ Chí Minh trên biển. Mặc dù Quảng Ngãi không may mắn khi nhiều lần tàu vào đều bị địch phát hiện, nhưng sự chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ tàu không số và nhân dân Quảng Ngãi đã góp phần tạo nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sự kiện đáng nhớ là tháng 11/1966, đoàn tàu không số mang mật danh 41 thực hiện chuyến đi đầu tiên vào Quảng Ngãi. Cựu chiến binh Võ Văn Cầu (thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu, Bình Sơn), người đã nhiều lần kết nối với tàu không số, kể: “Lúc đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ xuống tàu đánh cá của ngư dân ra đảo Lý Sơn để liên lạc với tàu không số, rồi chỉ đường cho tàu về cửa Sa Kỳ. Bị địch phát hiện. Liền sau đó, tàu chiến, máy bay địch sử dụng hỏa lực cày nát vùng biển Sa Kỳ. Tàu được lệnh phá hủy, thủy thủ trên tàu đều hy sinh để giữ bí mật. Hình ảnh trận chiến đấu hào hùng của tàu 41 xứng đáng là một trong những biểu tượng cho sự kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù”.

Năm 1967, tàu không số mang mật danh 43 được lệnh rẽ vào vùng biển Mỹ Á (huyện Đức Phổ) để giao vũ khí. Nhưng khi tàu đi được chừng ba hải lý thì bị lộ, tàu chiến địch lớp trong, lớp ngoài bao vây dày đặc, trên không có máy bay trinh sát chỉ điểm, máy bay trực thăng, máy bay phản lực quần đảo gầm rú, mặt biển pháo sáng soi rõ như ban ngày. Địch kêu gọi đầu hàng, nhưng tàu 43 vẫn bình tĩnh tiến nhanh vào bờ.
 
Chiêu bài tâm lý chiến đã không khuất phục được tàu 43. Địch bắt đầu siết chặt vòng vây và nổ súng tấn công từ bốn phía. Các chiến sĩ tàu 43 nổ súng đánh trả quyết liệt để mở đường. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá lớn giữa ta và địch, nên thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng phải ra lệnh cho anh em rời tàu và thực hiện phương án cuối cùng là phá hủy con tàu. Đêm đó, người dân thôn Quy Thiện (Phổ Khánh, Đức Phổ) khi nghe tiếng súng nổ ầm ầm ngoài biển, cơ sở cách mạng biết là có tàu ta vào, nên phân công nhau tỏa ra các hướng tìm đón chiến sĩ ta. Trận ấy, tàu 43 có 3 chiến sĩ hy sinh, 14 người còn lại đều bị thương.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.