Bộ đội Trường Sa: "Điểm tựa" của ngư dân

07:06, 05/06/2013
.

(QNĐT)- Quảng Ngãi nằm cách xa quần đảo Trường Sa hơn 400 hải lý, thế nhưng ở nơi đầu sóng ngọn gió, tình quân dân giữa bộ đội Trường Sa với ngư dân Quảng Ngãi luôn thắm thiết như những thành viên chung sống dưới mái ấm gia đình.

Vừa từ vùng biển Trường Sa trở về cập cảng Sa Kỳ bán cá, thuyền trưởng Dương Văn Thạch (quê thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) liền khoe: "Chuyến biển này nếu không nhờ các chiến sĩ ở đảo Tốc Tan B sửa chữa giúp tàu bị hỏng máy thì không những tay trắng trở về mà còn mất hơn 500 triệu đồng (nợ nần tiền tổn phí và thuê tàu lai dắt từ Trường Sa về đất liền.

 

Ngư dân sửa chữa máy tàu cá xa bờ ở cảng Sa Kỳ.
Ngư dân sửa chữa máy tàu cá xa bờ ở cảng Sa Kỳ.


Anh Thạch kể, cuối tháng 4 vừa qua, tàu cá của anh rời cảng Sa Kỳ vừa ra đến vùng biển Trường Sa thì bỗng dưng buồng bơm cao áp của tàu trục trặc gây chết máy. Nhận được liên lạc, đảo trưởng Tốc Tan B Phạm Văn Phóng điều động Thượng úy Đinh Thành Chung (thợ máy) cùng với hai chiến sĩ đi xuồng bo bo ra giúp sửa chữa tàu suốt 3 ngày liền.

Các chiến sĩ chui xuống buồng máy tàu nóng hầm hập, tỉ mỉ tháo từng bộ phận máy ra kiểm tra. Sang đến ngày thứ ba, trong lúc 17 ngư dân trên tàu ai nấy lo lắng, tuyệt vọng thì anh Chung phát hiện ti bơm buồng cao áp bị nghẽn. Muốn thông thiết bị này cần phải có xăng để khởi động. "Nghe tin, Thiếu tá Ngô Chí Thực từ điểm đảo Tốc Tan A mang xăng chạy xuồng bobo vượt biển hơn 30 phút mang đến đảo Tốc Tan B hỗ trợ. Chiều hôm thứ ba, máy tàu nổ, giây phút căng thẳng vỡ òa, anh em chúng tôi ôm chặt các chiến sĩ ngập tràn niềm vui.

Nhờ các chiến sĩ Trường Sa sửa chữa thành công, tàu của anh Thạch tiếp tục phiên biển suốt 20 ngày ở khắp các đảo Đá Tây, Đá Đông, Thuyền Chài, An Vinh đánh bắt được 20 tấn cá thu bè...

Về các vùng ven biển Bình Sơn hoặc ra huyện đảo Lý Sơn, đến nơi đâu cũng nghe bà con ngư dân kể nhiều chuyện cảm động về bộ đội Trường Sa. Có ngư dân thì gọi các chiến sĩ Trường Sa là ân nhân cứu mạng, người thì cảm phục tấm lòng bộ đội Trường Sa nhiệt tình ứng cứu tàu ngư dân gặp bão, cấp cứu kịp thời khi gặp tai nạn lao động trên biển, hỗ trợ thuốc men, nước ngọt...

Ngư dân Phạm Văn Kết ở xã Bình Châu còn nhớ, tháng 5/2010, trong lúc đánh bắt cá ở gần đảo Tốc Tan B thì không may tay trái bị cuốn vào máy xay đá làm gãy 4 ngón, máu chảy lênh láng. Anh được đưa vào đảo Tốc Tan B sơ cứu rồi chuyển sang đảo Phan Vinh nối gân. "Ngày ấy nhờ bác sĩ quân y Chương phẫu thuật kịp thời nối gân nên sau đó tay tôi lành lặn trở lại, tiếp tục ra khơi bám biển", anh Kết cho biết.

Nhớ lại chuyện thoát khỏi miệng "hà bá" vài năm trước, ngư dân Lê Văn Vững ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải (Lý Sơn) khó tin mình có thể sống sót trở về. Chiều tháng 7/2007, trong lúc tàu neo đậu nghỉ ngơi sau nhiều ngày đánh bắt, anh Vững cùng anh Lượm, anh Trương xuống tàu chèo ghe thúng vào đảo Cô Lin thăm các chiến sĩ. Lúc khuya quay trở lại tàu không ngờ gặp sóng lớn cuốn ghe thúng trôi dạt đến tận lô Ba Kê (cách đảo Cô Lin trên 200 hải lý). "Lúc tỉnh dậy chúng tôi mới biết mình được cứu sống, mừng quá ôm choàng lấy các chiến sĩ lô Ba Kê mà khóc”, anh Vững nói.

Nhiều ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn vẫn còn nhớ chuyện của anh Lê Tấn Đây dẫm phải cây sậy, bàn chân phải bị nhiễm trùng uốn ván dẫn đến tê liệt toàn thân và qua đời tại đảo Trường Sa Lớn tháng 4/2009. Trên 100 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ ở trạm xá cùng người dân trên đảo Trường Sa Lớn làm lễ phúng điếu ngư dân Lê Tấn Đây. Sau đó, các bác sĩ ở trạm xá đảo Trường Sa Lớn đã chích thuốc giữ thi thể, ướp đá đưa thi thể ngư dân Đây trở về quê Lý Sơn an táng.

 

 Nhờ có sự trợ sức của các chiến sĩ ở Trường Sa, nhiều năm qua, ngư dân Quảng Ngãi đã vươn lên làm giàu từ kinh tế biển.
Nhờ có sự trợ sức của các chiến sĩ ở Trường Sa, nhiều năm qua, ngư dân Quảng Ngãi đã vươn lên làm giàu từ kinh tế biển.


Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, ông Lê Đúc (anh ruột của ngư dân Đây) đã theo tàu cá ra thăm hỏi, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Ngoài hành, tỏi quê hương đất đảo Lý Sơn, ông Đúc còn mang theo cây sứ trồng lâu năm, đẹp nhất trong vườn nhà tặng bộ đội Trường Sa để ngỏ lời tri ân.

Thầm biết ơn các chiến sĩ hết lòng vì ngư dân, trước mỗi chuyến tàu ra vùng biển Trường Sa đánh bắt, những người mẹ, người vợ các ngư dân Quảng Ngãi thường gói ghém những món quà quê khi thì vài ký hạt giống rau muống, mồng tơi, lúc thì bánh ít lá gai, vài cân tỏi... gọi là tấm chân tình từ đất liền gửi đến Trường Sa.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, kinh tế biển đảo Lý Sơn suốt nhiều năm qua phát triển vượt bậc nhờ vào sự trợ sức rất lớn từ các chiến sĩ ở Trường Sa. Họ chính là "điểm tựa" vững chắc để ngư dân yên tâm hành nghề trên vùng biển xa bờ.

"Mối quan hệ bộ đội Trường Sa và ngư dân rất khăng khít. Mỗi khi bà con gặp rủi ro do gặp thời tiết xấu, tai nạn lao động hoặc ốm đau, thiếu nước ngọt, lương thực, các chiến sĩ Trường Sa luôn nhiệt tình giúp đỡ đã tạo nên tình quân dân bền sâu", bà Hương nói.


Bài, ảnh: Minh Thu
 


.