Tàu ngầm Kilo thứ 2 của Việt Nam lần đầu thử nghiệm trên biển

02:05, 21/05/2013
.

Tàu ngầm lớp Kilo 636 thứ 2 mà Nga đóng theo đơn đặt hàng 6 chiếc của Việt Nam đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm trên biển với việc lặn hơn 40 giờ liên tục. Chiếc tàu này dự kiến chuyển giao cho Việt Nam trước cuối năm nay.
 

Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam đang hoạt động thử nghiệm trên biển - Ảnh: EPA
Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam đang hoạt động thử nghiệm trên biển - Ảnh: EPA


 
Hãng tin Interfax của Nga dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu nước này cho biết chiếc tàu ngầm thứ 2 của dự án Kilo 636 "Varshavyanka", được đóng cho Hải quân Việt Nam tại Công ty Admiralty Shipyards ở St Petersburg, đã ra biển để chạy thử.
 
"Đội kiểm tra và thủy thủ đoàn của Hạm đội Thái Bình Dương cần thử nghiệm trên biển tất cả các hệ thống của tàu và bơi hơn 40 giờ trong tư thế ngầm dưới nước" - quan chức ngành công nghiệp đóng tàu Nga nói hãng Interfax.
 
Cũng theo quan chức ngành công nghiệp đóng tàu Nga, "các thử nghiệm trên biển sẽ kéo dài trong 2 tuần, đến đầu tháng 6 tàu sẽ đến Baltiysk".  "Vào giữa tháng 6, tàu sẽ trở lại nhà máy. Trong tháng 7 sẽ bắt đầu đào tạo thủy thủ đoàn của khách hàng" - nguồn tin cho biết thêm.
 
Trước đó, chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Hà Nội thuộc dự án Kilo 636 mà Nga đóng theo đơn đặt hàng 6 chiếc của Việt Nam đã được hạ thủy tháng 8-2012 và hoàn thành nhiều chuyến đi thử nghiệm biển xa. Tàu ngầm Hà Nội đã thực hiện thành công 23 cuộc lặn trong khi thủy thủ đoàn Việt Nam cũng đã thực hiện chuyến huấn luyện đi biển xa đầu tiên 10 ngày.
 
Ngày 13-5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức LB Nga từ ngày 12 đến ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thị sát tàu ngầm Hà Nội.
 
Nói chuyện với cán bộ chỉ huy và chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang học tập, huấn luyện trên tàu ngầm Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm của Hải quân nhân dân Việt Nam phát huy tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, vượt khó, nhanh chóng nắm bắt các kiến thức khoa học quân sự hiện đại để có thể làm chủ tàu ngầm sau khi được chuyển giao cho phía Việt Nam.
 

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tin tưởng lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ ra đời trong năm 2013. "Trong năm nay, nỗ lực chung của hai nước là mở trang mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời của lực lượng tàu ngầm" - Bộ trưởng Sergei Shoigu nói với báo chí sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
 
Hãng Interfax trước đó cũng cho biết trong năm 2013, nhà máy đóng tàu Admiralty sẽ cung cấp cho Hải quân Việt Nam 2 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên trong số 6 tàu ngầm của hợp đồng được ký.
 
Theo hợp đồng đóng 6 tàu ngầm Kilo 636 cho Việt Nam được ký năm 2009 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh việc đóng 6 tàu ngầm, hợp đồng còn bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ đoàn Việt Nam, cung cấp các thiết bị và vật tư cần thiết.
 
Ngoài 2 tàu ngầm đầu tiên đã  hạ thủy và chạy thử trên biển, nhà máy Admiralty của Nga cũng lên kế hoạch sẽ hạ thủy chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ 3 và thứ 4 cho Việt Nam trong năm nay.
 
Trong tháng 2-2013, tại xưởng số 6 của nhà máy đóng tàu Admiralty cũng đã bắt đầu việc cắt kim loại cho chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ 6. Đây cũng là chiếc tàu ngầm cuối cùng trong đơn đặt hàng 6 tàu ngầm loại này của Việt Nam.
 
 
Tàu ngầm lớp Kilo 636 là thế hệ tàu ngầm thứ 3, được thiết kế với nhiệm vụ chống ngầm, chống tàu nổi và chống cả máy bay tầm thấp. Tàu Kilo 636 chạy động cơ diesel/điện thuộc loại êm nhất thế giới, được mệnh danh là “hố đen trong đại dương”, thích hợp trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.
 
Tàu ngầm lớp Kilo 636 có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m. Tàu có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý (khi chạy ở tốc độ 7 hải lý/giờ), thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.
 
Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla.


 
Theo H.Thành/Người lao động


.