Số 3 Bạch Đằng, trưa 30 tháng 4

08:04, 30/04/2013
.

(QNg)- Vẻ bề ngoài cổng số 3 Bạch Đằng vốn không có gì đặc biệt. Nó cũ kỹ bình lặng như bao cổng công sở ngụy. Nơi ấy một thời là đại bản doanh khét tiếng của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy.

 Khoảng 10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, một quả đạn pháo 130 li bắn trúng bốt điện Phủ Đặc ủy. Một tiếng nổ cực lớn và tiếp theo là cả khu vực mất điện. Cảnh tượng hỗn loạn bao trùm Phủ Đặc ủy và thế là thầy tớ, một đám tình báo, mật vụ cáo già sừng sỏ hoảng loạn, bỏ cả bàn tiệc, bỏ cả vũ khí, xe cộ, cả tài liệu cơ mật, cả danh sách các điệp viên chạy tháo thân.

 

Các cựu điệp viên Cụm Tình báo A20 - H67 và Phòng Tình báo miền (J22).                          Ảnh: Internet
Các cựu điệp viên Cụm Tình báo A20 - H67 và Phòng Tình báo miền (J22). Ảnh: Internet


Nằm cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân, Phủ Đặc ủy được thành lập năm 1961 với nhiệm vụ điều tra, thu thập tin tức tình báo chiến lược về miền Bắc Việt Nam và các nước có liên quan, tập trung chủ yếu vào việc đánh phá cách mạng miền Nam. Phủ Đặc ủy có cả bộ máy đồ sộ, trang bị tối tân hiện đại.

Còn J22 là mật danh của Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với những chiến công hiển hách, với nhiều chiến sĩ tình báo nổi tiếng. Đó là thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ với vị trí cố vấn tôn giáo cho Tổng thống chế độ ngụy quyền. Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn với vỏ bọc là phóng viên Thời báo Times của Mỹ thường trú tại Sài Gòn. Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) nằm trong cơ quan Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy. Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, 6 lần bị cưa chân vẫn bảo toàn được danh sách 35 ổ biệt kích gián điệp CIA cài ở miền Bắc và tài liệu Đông Dương hoá chiến tranh...

Thông lệ, vào tháng 11 hằng năm, đại tướng Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam và đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng xây dựng chương trình hành động hỗn hợp liên quân Việt - Mỹ cho năm sau, gọi tắt là kế hoạch A.B. Những bản kế hoạch tối mật này ký chưa đầy một tuần đã có ở Văn phòng Bộ tham mưu Miền và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hà Nội, từ A.B145, A.B146, A.B147 và đều như vậy những năm tiếp theo. Nhiều kế hoạch đột xuất có giá trị chiến lược như kế hoạch ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng cuộc đảo chính Xihanuc, phong tỏa đường 9 Nam Lào... Nhờ tài liệu, tin tức tình báo của J22 mà các cấp lãnh đạo của ta biết trước để có kế hoạch chủ động đối phó.

Cuối tháng 4 năm 1975, Cục diện mặt trận tình báo trên khắp chiến trường và ngay trong Phủ Đặc ủy diễn biến phức tạp và nhanh chóng. Ngay tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo ngụy, Phòng Tình báo Bộ Tham mưu Miền đã gài cả chục tình báo viên, từ người chuyên cung cấp thực phẩm, tới nhân viên y tế, tới các sĩ quan cao cấp trong bộ máy Phủ Đặc ủy. Cũng vào thời khắc ấy, nhiều chiến sĩ tình báo của ta nằm trong Phủ đặc ủy đã cởi bỏ vỏ bọc, làm chủ cơ sở, bảo vệ những tài liệu lưu trữ về tổ chức gián điệp, điệp báo ngụy nằm trong chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng.

Sáng sớm ngày 1 tháng 5 năm 1975, từ các khu rừng cao su Dầu Tiếng, các đơn vị được lệnh hành quân về tiếp quản Sài Gòn. Đoàn xe hàng ngàn chiếc, đủ các chủng loại của các cơ quan đầu não như Mặt trận Giải phóng, Trung ương Cục Miền Nam, Bộ Tham mưu B2... nối nhau chầm chậm qua cửa ngõ phía bắc đổ về Sài Gòn. Đón mừng đoàn quân là ánh mắt gần gũi, những bàn tay vẫy vẫy tin cậy của đồng bào, là những bó hoa, là những giỏ quà tươi rói trao nhanh mỗi khi đoàn xe đi chậm lại. Trên mặt đường, rải đầy nào mũ, áo, quần, giầy, quân hàm, quân hiệu, vũ khí... do tàn quân ngụy hoảng loạn tháo chạy trút bỏ.

Chiều 1/5, các đơn vị thuộc Phòng tình báo chiến lược Bộ tham mưu Miền cùng đổ về tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, số 3-Bạch Đằng. Ngoài bến cảng vẫn còn vài chiếc tàu nằm bất động. Phủ Đặc ủy rộng chừng 50.000 m2 phơi bày ngổn ngang, bừa bãi các phương tiện kỹ thuật, khí tài của cuộc tháo chạy. Một thư viện có hàng vạn đầu sách mà 3/4 là sách xuất bản của miền Bắc và các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Trong các phòng giam, phòng hỏi cung, dấu máu của các chiến sĩ tình báo, giao liên bị tra tấn đây đó vẫn chưa khô. Vẫn còn nguyên vẹn cả hệ thống máy móc mật mã ngụy hiện đại, do khoảng chục nhân viên vận hành phong tỏa thông tin tình báo bao trùm toàn miền Nam...

Những  năm gần đây, mỗi khi về TP Hồ Chí Minh, tôi thường tới bến Bạch Đằng xưa, hồi tưởng không khí hào hùng 30 tháng 4 năm ấy. Dấu tích Phủ Đặc ủy nay không còn nữa. Đường Bạch Đằng đã mở rộng mang tên Tôn Đức Thắng với những tòa nhà đồ sộ và hiện đại, lộng gió sông Sài Gòn.

Vậy mà đã 38 năm quân và dân ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó cũng là thời điểm chấm dứt sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn, của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy. Những chiến công hiển hách, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Phòng tình báo chiến lược (J22) Bộ Tham mưu Miền đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

 

Văn Phong

 


.