Cô Ánh nuôi quân

08:04, 02/04/2013
.

(QNg)- Đó là cô Nguyễn Thị Ánh, ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông (Bình Sơn). Không chồng con, họ hàng thân thích, cô gắn bó với người lính Đồn Biên phòng Bình Đông (BĐBP Quảng Ngãi) như định mệnh như một quân nhân, dù không cấp bậc, chức vụ. Chẳng biết cô đến với đơn vị từ lúc nào, chỉ biết khi thành lập Đồn BP Bình Đông (năm 1975) đã có cô ở đây giúp đỡ bộ đội xây dựng đơn vị.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác ở Đồn BP Bình Đông đều biết đến cô. Lúc còn trẻ, cô Ánh như người chị thân thiết, hằng ngày cùng với các chiến sĩ nuôi quân ra chợ mua thực phẩm về chế biến cho bộ đội ăn. Đi buôn bán gặp miếng ngon, miếng ngọt cô cũng dành ít tiền mua về cho anh em và giúp đỡ mỗi khi có người gặp chuyện không may trong cuộc sống.


Đồng chí Hạ Thanh Ca, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh kể: "Tôi là một trong nhiều chiến sĩ có mặt ở Đồn BP Bình Đông từ khi mới thành lập. Lúc ấy vừa mới giải phóng, đất nước còn nghèo, đời sống bộ đội khó khăn, bữa cơm độn sắn phần nhiều. Cô Ánh đã đến đơn vị động viên anh em cố gắng ăn uống để đảm bảo sức khỏe lao động, công tác. Rồi vận động bà con nhân dân, người cho con cá, lít nắm, nắm rau. Cô mang về làm thực phẩm cải thiện bếp ăn cho cả đơn vị. Cứ thế ngày qua ngày, cô như chiến sĩ nuôi quân thuộc biên chế của đơn vị. Là người đã từng công tác tại Đồn biên phòng Bình Đông, tận mắt chứng kiến tình thương cô dành cho chiến sĩ, tôi thật sự cảm phục, xúc động và ghi nhớ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình".

Tuổi thanh xuân qua đi, người "nữ quân nhân" không chuyên này như người mẹ hiền chăm sóc cho những người con, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhà cô ở cách đơn vị hơn 50m, buổi sáng trời mùa đông giá rét, sợ anh em nuôi quân dậy sớm ảnh hưởng sức khỏe, cô đội mưa, gió đến đơn vị nấu cơm sáng thay cho anh nuôi.

Tháng năm đi qua, cô Ánh như cây dừa già trước sân Đồn đã cạn dần nhựa sống. Đôi mắt cô không còn nhìn thấy, sức khỏe không còn cho phép chăm sóc bộ đội như ngày xưa. Tuy vậy, cô vẫn dành cho các chiến sĩ tình thương yêu vô bờ bến. Hôm chúng tôi đến thăm, nhắc lại chuyện cũ, cô bồi hồi nhớ lại và tâm sự: “Tuy mình là người dân bình thường, không ruột rà với các chú bộ đội, nhưng tôi coi cán bộ, chiến sĩ như người em, người con, người cháu. Và họ cũng là nguồn động viên an ủi tôi trong cuộc sống...".

38 năm trôi qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ công tác tại Đồn BP Bình Đông có người đã nghỉ hưu, chuyển đơn vị, ra quân xuất ngũ. Dù đi đâu, về đâu ai cũng nhớ đến cô Ánh và dành cho cô một tình cảm trân trọng. Trung úy Nguyễn Anh Tuấn, quân y Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, người đã có thời gian công tác ở Đồn  BP Bình Đông nói: "Cô Ánh như người mẹ thứ hai sinh ra tôi, nếu không có cô chắc tôi không còn sống cho đến bây giờ". Và anh kể: "Năm 1999 có lần đang ngủ bỗng dưng trúng gió, người tím tái không nói được, đêm hôm khuya khoắt, xa trung tâm y tế không gọi được xe cấp cứu.

Nghe tin cô vội vàng chạy lên kiểm tra, lể cho tôi mấy huyệt và nấu cho bát cháo hành. Nhờ vậy mà sức khỏe tôi hồi phục dần". Hỏi chuyện về cô Ánh, Đồn trưởng Đồn BP Bình Đông Nguyễn Đình Nhẫn cho biết: "Không thể kể hết những đóng góp của cô Ánh cho đơn vị, để bù đắp một phần tình cảm, công sức, tiền bạc mà cô đã dành cho anh em chúng tôi trong suốt cuộc đời mình, đơn vị đã nhận chăm sóc nuôi dưỡng cô. Mọi tiêu chuẩn ăn uống, chăm sóc sức khỏe như một quân nhân. Vì vậy, mặc cho nắng mưa, hằng ngày chiến sĩ nuôi quân ngoài nhiệm vụ đảm bảo cơm ngon, canh ngọt cho đơn vị còn phải mang cơm cho cô Ánh. Đồng chí nào chăm sóc cô chưa tốt là chưa hoàn thành nhiệm vụ".


Nguyễn Văn Tánh
 


.