Ký ức của người chỉ huy Trung đoàn 94

09:03, 23/03/2013
.

(QNg)- Ngày 24/3/1975, những tên lính ngụy cuối cùng trên địa bàn Quảng Ngãi đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Chính quyền quân quản tỉnh được thành lập, Quảng Ngãi giải phóng hoàn toàn. Những giờ phút ác liệt nhưng huy hoàng ấy như vừa diễn ra trong ký ức của đại tá, cựu chiến binh Ngô Đức Tấn - người chỉ huy trận đánh cuối cùng năm ấy...

TIN LIÊN QUAN


Ngày 20/2/1975, Trung đoàn 94 thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập. Trung đoàn được mang tên "Đoàn Sông Trà" do đại úy Ngô Đức Tấn- Tỉnh Đội phó, Tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Đây là lực lượng chủ lực cơ động của tỉnh Quảng Ngãi dưới sự chỉ đạo của Quân khu 5, có nhiệm vụ chặn quân địch rút chạy từ Quảng Ngãi ra Chu Lai để giải phóng cho được Quảng Ngãi.

 

Đại tá Ngô Đức Tấn kể về trận đánh cuối cùng của 38 năm về trước.
Đại tá Ngô Đức Tấn kể về trận đánh cuối cùng của 38 năm về trước.


Thời khắc thiêng liêng

Đại tá Ngô Đức Tấn hồi tưởng: Trong 2 ngày (23 - 24/3/1975), quân địch lúc đó cố đem hết lực lượng và hỏa lực để tùy nghi di tản, tháo chạy ra Chu Lai. Với mục tiêu cuối cùng là chặn đánh không cho địch co cụm về Quảng Nam và Đà Nẵng,  Trung đoàn 94 đã cùng với bộ đội huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh chặn đánh quân tháo chạy của quân ngụy từ Quảng Ngãi đi Chu Lai. Trên đoạn đường phục kích quyết chiến dài 7km từ thôn Thế Lợi xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đến cầu Ô Sông ở xã Bình Long (Bình Sơn), Trung đoàn 94 cùng với các lực lượng của Quân khu V tiêu diệt trên 1.000 tên địch; bắt sống hơn 2.000 tên; bắn cháy, bắn hỏng và thu 206 xe cơ giới các loại, giải phóng hoàn toàn các huyện phía bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc biệt, từ đêm 23/3 đến sáng 24/3, Trung đoàn 94 được lệnh xuất kích, dồn lực giải phóng các địa phương trong tỉnh. Trong đêm, Tiểu đoàn 83, Tiểu đoàn 48 đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 140 quân bảo an địch, bắt sống 32 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị; Tiểu đoàn 81 đưa quân ra tăng viện phản kích tại xã Bình Trung (Bình Sơn), tiêu diệt 1 đại đội, đánh thiệt hại nặng lực lượng địch.

Ngay sau đó, Trung đoàn phục kích đánh Tiểu đoàn 69 biệt động quân và bọn nguỵ quân, nguỵ quyền tháo chạy từ huyện Trà Bồng xuống Châu Ổ (Bình Sơn), tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tàn quân ngụy. "Đến 10 giờ 30 ngày 24/3, toàn bộ quân ngụy trên đường tháo chạy ra Chu Lai đã bị tiêu diệt và bắt sống. Trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi. Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng trong niềm hân hoan của quân và dân tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam non sông thu về một mối "- người chỉ huy năm ấy xúc động nhớ về thời điểm ác liệt mà huy hoàng ấy.

Vết thương không lành

Đại tá Ngô Đức Tấn sinh năm 1936 tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ). Năm 1960 ông lên đường theo tiếng gọi của non sông đất nước. Những tháng ngày ấy, ông cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công hiển hách. Giờ đây, ở tuổi 78, người chỉ huy năm xưa vẫn không sao quên được những tháng ngày hào hùng, quật khởi của cả dân tộc. Ông vui vì đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối; nhân dân được sống tự do, Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng rồi trong ông vẫn chưa vơi đi nỗi buồn của chiến tranh,  không ít đồng đội của ông đã ngã xuống để giành lấy độc lập tự do cho quê hương, Tổ quốc.

"Với 16 lần bị trúng bom đạn của quân địch, nhưng giờ vẫn còn ngồi đây hưởng một cuộc sống thanh bình thì hạnh phúc gấp bội lần so với những đồng đội đã hy sinh"- ông Tấn chia sẻ. Mỗi năm ít nhất 2 lần ông phải ra Huế kiểm tra sức khỏe và phải sống bằng máy trợ tim, nhưng người thương binh 1/4 Ngô Đức Tấn vẫn luôn lạc quan. Cứ mỗi dịp vào tháng 3 hằng năm, ông lại nhớ về những tháng ngày ác liệt nhưng đầy vinh quang để sống vui và giáo dục, động viên con cháu tiếp bước truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình.


Bài, ảnh: X. THIÊN - N. TRIỀU
 


.