Chuyện về người thương binh “vác tù và hàng tổng”

11:12, 22/12/2012
.

(QNĐT)- Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng bầu nhiệt huyết của người thương binh ấy dường như chẳng hề cạn. Trong thời chiến, ông đã sát cánh cùng đồng đội trải qua mưa bom, bão đạn góp sức đem lại tự do cho ngày hôm nay. Trong thời bình, ông miệt mài với công việc “vác tù và” vì làng vì xóm, mang trọn vẹn trong mình phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ.

TIN LIÊN QUAN


Ông là Võ Duy Liên (sinh năm 1949) ngụ ở Khu dân cư 5, thôn Liên Hiệp 2, thị trấn Sơn Tịnh. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Đơn vị của hoạt động trên địa bàn Quân khu 5- nơi xảy ra nhiều trận chiến khốc liệt. Thời gian này, ông được đơn vị cử đi học sĩ quan để có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức phục vụ cho cuộc chiến dài lâu. Trải qua nhiều trận chiến sinh tử để giành lại từng mảnh đất quê hương, khiến cho ông thêm quý, thêm yêu những ngày tự do của hôm nay.

Với ông, đợt tấn công giải phóng Tam Kỳ, Quảng Nam góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào cuối tháng 4/1975 đã để lại nhiều ký ức khó quên. Sau nhiều ngày đêm nếm mật nằm gai, đơn vị của ông đã thẳng tiến tấn công đồn địch xuống Tam Kỳ, Quảng Nam theo sự chỉ đạo của cấp trên.

 

Thương binh Võ Duy Liên và các giấy khen, bằng khen của các cấp vì những thành tích đã đạt được trong hoạt động hội, đoàn thể trong thời gian qua
Thương binh Võ Duy Liên và các giấy khen, bằng khen của các cấp vì những thành tích đã đạt được trong hoạt động hội, đoàn thể  suốt thời gian qua


Người cựu binh già nhớ lại: “Trong trận đánh cuối cùng ấy, tôi phải chứng kiến quá nhiều sự hy sinh xương máu của anh em, đồng đội. Đau xót vô cùng!” Bản thân ông đã bị đạn bắn xuyên thủng vào chân trái. Nhưng giây phút đất nước được hoàn toàn giải phóng khiến ông quên đi bao nỗi đau, vỡ òa hạnh phúc.

Cũng từ đó, ông Liên quan niệm: “Mình còn may mắn và hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, vì vậy phải tiếp tục sống có ý nghĩa với bản thân và xã hội”.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông không cho phép mình nghỉ ngơi giây phút nào. Bắt đầu từ công việc giảng dạy tại Trường đại học tổng hợp Đà Lạt, ông đã cống hiến hết những kiến thức, đã học được trong suốt 12 năm trời. Qua những câu chuyện áp dụng vào bài học một cách thiết thực, bao thế hệ sinh viên đã hình dung rõ hơn về thời đạn bom gian khổ của cha ông ta.

Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, ông trở về quê cũ và tiếp tục tích cực tham gia vào hoạt động các hội, đoàn thể tại địa phương. Được sự tín nhiệm của mọi người, ông kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc từ công tác khuyến học, tổ trưởng tổ dân phố, công tác mặt trận của thôn, ban hòa giải của thôn…

Miệng nói tay làm, ông bắt tay giải quyết từng việc một. Từ việc hòa giải những gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đến vận động người dân di dân tái định cư, xây dựng  đời sống văn hóa ở khu dân cư… Cứ ở đâu có chuyện cần giải quyết là ông có mặt.

 

Hằng ngày, ông tham gia quản lý các chợ tại địa phương với mong muốn giữ gìn an ninh trật tự
Hằng ngày, ông tham gia quản lý các chợ tại địa phương với mong muốn giữ gìn an ninh trật tự


Năm nào, ông cũng đi “mòn dép” đến từng nhà bà con trong thôn vận động để tổ chức trao quà, học bổng cho 100-150 học sinh khá, giỏi tại địa phương. Thấy đường trong thôn vẫn chưa có điện, một mình ông mỏi mòn đi vận động bà con cùng nhau đóng góp hàng chục triệu đồng, xây dựng mạng lưới điện thắp sáng của con hẻm, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con…

Không chỉ vậy, ông còn tham gia vào Ban quản lý các chợ tại thị trấn Sơn Tịnh, góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương với đồng lương ít ỏi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông dành ra 8 tiếng đồng hồ để tham gia công tác bảo vệ trật tự tại các chợ.

Với sự tận tụy, hết lòng vì công việc, ông đã đóng góp không nhỏ giúp khu dân cư 5 trở thành đơn vị gương mẫu trong thị trấn. Các tệ nạn, mâu thuẫn trong khu giảm dần.

Tuy sức khỏe đã giảm sút, những khi trái gió, trở trời, vết thương cũ lại tái phát nhưng người thương binh già vẫn miệt mài với hàng tá công việc không tên. Ông Liên tâm sự: “Khi nào còn sức, thì mình sẽ còn cống hiến cho bà con lối xóm, cho xã hội”. Đó là niềm vui của người cựu binh từng trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ nhất.

 


Thanh Phương
 

 


.