Xuống tận thôn làm chứng minh thư cho dân

10:07, 25/07/2012
.

(QNg)- Để giúp người dân ở các thôn, bản không có điều kiện đến trụ sở công an huyện làm chứng minh thư. Mới đây, Công an huyện Tây Trà đã cử cán bộ chiến sĩ về tận các thôn ở xã Trà Quân giúp dân trở thành… công dân “chính hiệu”.
 
Háo hức đi làm chứng minh thư


Nghe cán bộ xã thông báo công an huyện về xã làm chứng minh thư, từ sáng sớm, hàng trăm người dân khắp nơi trong xã Trà Quân đã về đứng chật kín trước nhà cộng đồng xã chờ được làm chứng minh nhân dân. Nhiều người háo hức được lăn dấu vân tay và ký xác nhận.

 

Chiến sĩ Công an huyện Tây Trà về thôn Trà Ong, xã Trà Quân làm chứng minh thư cho người dân.
Chiến sĩ Công an huyện Tây Trà về thôn Trà Ong, xã Trà Quân làm chứng minh thư cho người dân.


Nhiều thanh niên tuổi 18 đôi mươi đến từ rất sớm. Hồ Văn Tuấn (19 tuổi), thôn Trà Ong tâm sự: “Em học đến lớp 6 thì nghỉ học và sau đó cũng chẳng ai nói gì đến việc làm chứng minh nhân dân cả. Có đợt nghe cán bộ bảo lên huyện làm chứng minh thư, nhưng lúc đó em lo đi rẫy nên không làm. Mãi đến hôm nay mới có cơ hội làm chứng minh thư cho mình. Vài ngày nữa có chứng minh thư em sẽ tìm một nghề gì đó để học” – Tuấn chia sẻ.

Đứng bên cạnh, vừa dùng khăn lau đôi tay dính đầy mực, anh Hồ Văn Nhật (32 tuổi, thôn Trà Bao) cho biết, nhà anh có 6 người thì cả 6 đều không có chứng minh thư. “Chiều qua nghe cán bộ thôn bảo có đoàn của huyện về làm chứng minh thư, ngay từ sáng sớm cả nhà mình dậy thật sớm kéo bộ về đây làm chứng minh. Phải làm chứng minh thôi, mình là con cháu Bác Hồ, là người dân Việt Nam thì phải có giấy tờ tùy thân, sau này làm chuyện gì cũng tiện. Chứ không có chứng minh thư không làm được gì cả. Lỡ đi đâu xa có người hỏi giấy tờ tùy thân thì biết xử lý ra sao” – anh Nhật nói.

Còn chị Hồ Thị Thúy (28 tuổi), vừa hoàn tất các thủ tục và cầm giấy hẹn một tuần sau lên xã nhận chứng minh nhân dân hồ hởi cho biết, cách đây hơn hai tuần chị và người yêu lên xã làm giấy đăng ký kết hôn, nhưng không được do chưa có chứng minh nhân dân. “Tuần trước chúng em định mượn xe máy lên huyện làm thì nghe có đợt làm chứng minh tại xã, giờ thì vui rồi. Có chứng minh thư mình sẽ làm đăng ký kết hôn đàng hoàng”.

Tình trạng người dân ở các thôn bản giữa vùng rừng núi xa xôi “trắng” chứng minh nhân dân rất nhiều. Trong đó, đa phần là độ tuổi mới lớn. Thế nhưng, hôm Công an huyện Tây Trà về xã Trà Quân làm chứng minh cho dân, hình ảnh những người ở tuổi thất thập chống gậy đến trụ sở làm chứng minh thư khiến nhiều người bất ngờ.

Cụ Hồ Thị Hồng (68 tuổi, thôn Trà Ong), vất vả lắm mới lên tới điểm làm chứng minh nhân dân nên khi lên đến nơi, cụ được các chiến sĩ ưu tiên cho làm trước. Sau một hồi, hoàn thành và cầm giấy hẹn ngày nhận, cụ Hồng tâm sự: “Ngày trước lớn lên, gặp chiến tranh nên chẳng có chứng minh hay giấy tờ tùy thân nào cả. Sau này giải phòng hòa bình rồi thì lo làm rẫy chứ đâu nghĩ gì đến chuyện làm chứng minh thư. Giờ già rồi, nhưng phải ráng đi làm cái chứng minh cho riêng mình. Mình phải làm gương thì mới vận động được con cháu lớn lên là đi làm chứng minh thư”.

Vượt rừng, lội suối… làm chứng minh cho dân

Hầu hết người dân vùng cao đều có suy nghĩ là lo kiếm chén cơm, lon gạo, lo cho cái bụng no trước mắt, còn việc làm chứng minh thư có thì được, không có cũng chẳng sao nên việc quản lý hộ tịch và nắm bắt tình hình dân số rất khó khăn.
Nhiều hộ dân do không có chứng minh thư nên không thể vay vốn ngân hàng làm ăn, hoặc học sinh đi học nghề đành ở lại xóm làng bám rừng. Để tạo điều kiện cho người dân đỡ vất vả hơn trong quá trình đi lại.

Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, ba chiến sĩ Công an huyện Tây Trà đã vượt gần 15km đường rừng về tận thôn làm chứng minh thư cho người dân.

Chiến sĩ Phạm Văn Thắng- nhóm trưởng cho biết, để đảm bảo người dân đến đúng giờ cũng như đầy đủ, trước đó cả tuần phải gửi thông báo về xã và xã cử người vào thôn thông báo cho người dân biết. “Đường đi toàn đá lởm chởm và nhiều vực sâu nguy hiểm thật, nhưng vì nhân dân chúng tôi không ngại khó, ngại khổ gì hết. Miễn giúp người dân có chứng minh thư và được thực hiện các quyền công dân là niềm hạnh phúc rồi” – anh Thắng tâm sự.

Anh Thắng kể, trước khi vào thôn, xác định đường đi khó khăn, chúng tôi ngay từ tờ mờ sáng phải lên đường để đến nơi đúng giờ và lao vào làm việc. “Mình mà đến chậm là thất hứa với dân, phải tranh thủ đến nơi thật sớm, làm xong chiều còn tranh thủ… xuống núi, chứ không mưa rừng thì chỉ còn nước ở lại qua đêm. Và công việc ngày mai của cơ quan sẽ bị trễ. Đây là lần thứ 3 mình vào  tận thôn vùng xa làm chứng minh thư cho người dân, mấy lần trước chỉ là ở các thôn quanh trụ sở huyện, đây là lần đầu tiên mình đi xa thế. Đường đi khó khăn nhưng vui lắm. Mình có đi xa, khổ một tí nhưng hàng trăm người dân đỡ phải mất công đi thì chẳng là gì hết” – Phạm Ngọc Trọng tâm sự.


LÊ ĐỨC – XUÂN THIÊN
 


.