Đi tìm đồng đội trên đỉnh Mô-Níc

08:07, 23/07/2012
.

(QNg)- Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỉ, nhưng dường như suốt quãng thời gian ấy, ông Nguyễn Lẹ ở tổ dân phố 6 thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) luôn sống trong trăn trở, ray rứt. Tâm trạng ấy chỉ mới được giải tỏa khi ông Lẹ vừa tìm thấy hài cốt của đồng đội mình đưa về an táng tại đất mẹ Bình Sơn…
 

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi tìm được nhà của thân nhân liệt sĩ Lữ Quốc Trị ở thị trấn Châu Ổ khi trời đã tròn bóng nắng. Trước bàn thờ liệt sĩ Lữ Quốc Trị, chúng tôi gặp một người đàn ông cao tuổi đang thắp hương, khóe mắt ông rưng rưng. Ông là Nguyễn Lẹ (71 tuổi), nguyên Trưởng  ban Tài chính thuộc Trung đoàn 240 - người vừa cùng với gia đình, chính quyền, lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn đưa hài cốt liệt sĩ Lữ Quốc Trị về nghĩa trang huyện an táng. Rót ly chè xanh mời chúng tôi ngay trong ngôi nhà thân nhân đồng đội mình, trước bàn thờ người đồng chí, liệt sĩ Lữ Quốc Trị, ông Lẹ kể cho chúng tôi nghe hành trình đi tìm đồng đội của mình…

 

Ông Nguyễn Lẹ (áo trắng) thắp hương tưởng nhớ đồng chí, đồng đội Lữ Quốc Trị.
Ông Nguyễn Lẹ (áo trắng) thắp hương tưởng nhớ đồng chí, đồng đội Lữ Quốc Trị.


Mùa thu năm 1970, sau một trận càn quét dữ dội vào đêm 30/8 của Trung đoàn 6 lính Ngụy, Lữ Quốc Trị lúc ấy là Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 240 hi sinh khi đang trên đường cõng tài liệu cất giấu vào hầm. Trong thời điểm gay go ác liệt ấy, ông Nguyễn Lẹ chỉ kịp bế đồng chí Lữ Quốc Trị quấn vào một tấm vải lớn rồi chôn cất giữa hai gốc cây rừng. Chôn cất xong, ông Lẹ lấy hai tảng đá đánh dấu nơi đầu mộ và cuối mộ rồi vội vã xuống hầm. Trước khi được cử đi công tác ở đơn vị khác, ông Lẹ đã kịp định vị lại vị trí mộ của đồng chí Lữ Quốc Trị: Cách cơ quan Trung đoàn 240 (đóng quân trên đỉnh núi Mô-Níc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) khoảng 300 mét về phía bắc và cách đường xe thồ vận chuyển lương thực, thuốc men cho Trung đoàn khoảng 5 mét…

Khi đất nước giải phóng, ông Lẹ được điều động công tác ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng ông vẫn cố gắng liên hệ với chính quyền địa phương, thân nhân của liệt sĩ Lữ Quốc Trị để tìm cách tìm kiếm hài cốt đưa về quê an táng. Thế nhưng, ròng rã suốt mấy chục năm trời ông vẫn chưa thực hiện được ý nguyện ấy. Mãi đến tháng 5/2012, tình cờ ông gặp lại người con gái của liệt sĩ Lữ Quốc Trị. Đó là chị Lữ Thị Hương-giáo viên đã nghỉ hưu. Ông Lẹ và chị Hương nhờ chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn, Sơn Hà đi tìm mộ cha trên đỉnh núi Mô-Níc…

Ngày 16/6/2012, cuộc hành trình bắt đầu từ Bình Sơn lên xã Sơn Kỳ. Được UBND xã Sơn Kỳ giúp đỡ, mời già làng thôn Mô - Níc họp để cử người thông thạo dẫn đường lên đỉnh núi Mô - Níc nơi Trung đoàn 240 đóng quân. Muỗi rừng, vắt núi không kể xiết. Những giọt mồ hôi túa ra, nhưng như có động lực thôi thúc, cả đoàn đã leo đến đỉnh Mô - Níc có độ cao 1.400 mét so với mực nước biển một cách an toàn. Nghỉ chân trong chốc lát, ông Lẹ bắt đầu nhớ lại, định hình nơi đã tự tay chôn cất liệt sĩ Lữ Quốc Trị…

Sau 42 năm kể từ ngày liệt sĩ Lữ Quốc Trị hi sinh, cảnh sắc trên đỉnh Mô - Níc đã đổi thay. Nhiều vạt rừng đã bị đốn sạch, nhưng kì lạ thay hai cây gỗ to nơi liệt sĩ Trị yên nghỉ vẫn còn; hai tảng đá cũng vẫn vẹn nguyên. Mừng rỡ, ông Lẹ òa khóc như con trẻ. Ông yêu cầu mọi người đưa cuốc, xẻng cho mình để tự tay ông đưa đồng đội lên khỏi mặt đất. Khi tấm vải dù lộ lên gói bên trong là những mẩu xương của người đồng chí cũng là chỉ huy của mình khi ấy, ông Lẹ gục mặt khóc nức nở. "Tôi đã tìm thấy anh rồi, anh ơi!". Với chị Lữ Thị Hương - con gái của liệt sĩ Lữ Quốc Trị cảm xúc thật khó tả. Khi chị chưa sinh ra, cha chị đã ra mặt trận đánh giặc. Lên 10 tuổi, chị được gặp cha một lần rồi biền biệt đến hôm nay… Ký ức tuổi nhỏ chẳng nhớ được bao nhiêu về người cha thân yêu của mình, chị ghì chặt hài cốt vừa tìm được vào lòng, nước mắt tuôn rơi suốt đêm giữa đại ngàn Mô-Níc Sơn Kỳ…

Sáng sớm 18/6, hành trình xuống núi mang theo hài cốt người đồng đội Lữ Quốc Trị về lại Bình Sơn. Lòng nhẹ thênh thênh, ông Lẹ báo cho chính quyền, lực lượng vũ trang huyện làm lễ truy điệu an táng liệt sĩ Lữ Quốc Trị. Chị Lữ Thị Hương xúc động nói: "Nếu không có cái tâm trong sáng của chú Lẹ, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, chắc gia đình chưa đưa được ba tôi về quê nhang đèn khuya sớm. Tôi mong, các gia đình liệt sĩ khác cũng có được may mắn như gia đình mình, để không còn những người con hi sinh vì Tổ quốc phải chịu thiệt thòi, lạnh lẽo nơi rừng sâu".


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.