Nơi ghi dấu ấn một thời

10:05, 04/05/2012
.

(QNg)- Dòng suối cạn và mấy cây xoài cành lá xum xuê làm rung  động bao trái tim những người hành hương về cội nguồn lịch sử. Hố Xoài là đây! Nơi ghi dấu ấn một thời gian lao và oanh liệt của Đội công tác xã Hành Phước (Nghĩa Hành).  Nhân chứng lịch sử và các lớp đồng đội cũ đều xúc động nghẹn ngào, trào dâng mãnh liệt những dòng ký ức...

Cách đây hơn năm mươi năm, đồng chí Phương Mai, cơ sở cách mạng đầu tiên nhận nhiệm vụ tại nơi này. Nguồn tin yêu hy vọng của nhân dân Hành Phước với Đảng được nhen nhóm từ những ngày ấy.  Rồi suốt mấy năm trời gian khổ ác liệt hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đồng chí đã từng nằm gai nếm mật ở đây.  Từng mô đá, từng lùm cây, từng vết u nần trên thân cây xoài quen thuộc thân thương, cũng giống như xó bếp, đầu hè nhà  mình vậy. Nhiều kế hoạch diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ về tay nhân dân; nhiều cuộc xuất quân của du kích diệt bốt phá đồn hỗ trợ quần chúng nhân dân phá rào vi, phá ấp chiến lược, phá khu dồn trở về làng cũ đều được bàn định nơi đây. Và cũng chính nơi đây, đồng chí Phạm Xuân Hoàng (Thiệu) bí thư Đội công tác đầu tiên của Hành Phước và một số đồng chí khác đã hy sinh. Căn cứ Hố Xoài đã ghi dấu ấn lịch sử bất diệt của Đảng bộ và nhân dân xã Hành Phước.

Những đồng đội năm xưa bên bia tưởng niệm Hố xoài. Ảnh: PHONG ĐĂNG
Những đồng đội năm xưa bên bia tưởng niệm Hố xoài. Ảnh: PHONG ĐĂNG


Giờ đây những đồng đội chiến đấu năm xưa ngỡ ngàng đứng tần ngần, ngây ngất nhìn "Bia tưởng niệm căn cứ Hố Xoài" hình lá cờ chiến thắng đang tung bay sáng rực giữa rừng cây núi đá mà lòng bồi hồi rạo rực một niềm vui khôn xiết.  

Đồng đội có mặt hôm nay mỗi người một vẻ, phần lớn đã lớn tuổi, nhưng quá khứ hào hùng thì còn xanh tươi ngời lên ánh mắt một thời oanh liệt. Cao lớn và hồ hởi là đồng chí Dương Mạnh, người đồng chí hai lần làm Bí thư, Đội trưởng công tác xã Hành Phước. Thời trai trẻ Dương Mạnh dũng mãnh kiên cường, một mình chỉ huy tổ du kích ba người tiêu diệt gọn một tiểu đội lính Mỹ ngay trên mảnh đất Đề An quê mình. Điềm đạm và trầm tĩnh là đồng chí Trương Quang Tĩnh, hôm nay có vẻ vui vẻ lạ, chuyện cũ kể như ngô rang.  Không phải là người gốc gác ở đây, nhưng những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, đồng chí là bí thư Đội công tác xã Hành Phước.  

Một đặc điểm truyền thống của Hành Phước là phụ nữ có vai trò thật to lớn, thật xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.  Từ thời Đảng mới ra đời lãnh đạo cách mạng, Hành Phước đã có nữ bí thư chi bộ đến nữ bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Nguyễn Thị Nhạn.

Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh Quảng Ngãi còn ghi ơn lòng dũng cảm tuyệt vời người nữ đảng viên Trần Thị Viêm của Hành Phước, dám ra pháp trường nhận thi thể đồng chí Nguyễn Nghiêm bị giặc sát hại để khâm liệm chôn cất.  Và anh dũng kiên cường thay mặt đồng chí, đồng bào tiễn đưa người chiến sĩ số một tỉnh nhà trước lưỡi lê mũi súng của quân thù.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hành Phước không những có hai nữ làm bí thư, mà số lượng nữ du kích trong Đội công tác nhiều lúc đông gần bằng số nam giới.  Nhiều nữ du kích mới tuổi 15,16 như chị Thủy, chị Như, chị Bảy, chị Nhị, chị Phượng… đã khoát súng AK cùng anh chị khác xông pha lửa đạn, chiến đấu kiên cường rất đáng khâm phục.

Một đặc điểm khác rất quan trọng mà ít khi nhắc đến. Đó là trong cuộc chiến vừa qua, có mảnh đất nào chỉ cách trung tâm thị xã chưa đầy mười cây số mà vẫn trụ vững từ ngày giải phóng (1965) đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975) như An Chỉ của Hành Phước.  Suốt ròng rã mấy năm trời từ khi Mỹ đổ quân vào nước ta, chiến tranh khủng khiếp và hủy diệt nhưng An Chỉ luôn luôn là vùng giải phóng.  Quân địch không bao giờ đóng quân được trọn 24 tiếng trên mảnh đất An Chỉ, không đóng được đồn bốt, không lập được tề ngụy. Thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến, nhiều xã phía trước của huyện Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa mất đất, mất dân thì Đội công tác và du kích các xã đó vẫn tụ về mảnh đất An Chỉ của Hành Phước để đứng chân và bám trụ.  Huyện đội Nghĩa Hành, bộ phận tiền phương Huyện ủy luôn luôn có mặt trên mảnh đất chưa đầy năm cây số vuông.  Nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh, của quân khu V thỉnh thoảng đứng chân nơi đây và xuất quân gây cho quân thù những nỗi kinh hoàng khiếp sợ.

Mặt trời lên cao, những tia nắng hè bắt đầu gay gắt, tất cả mọi người tập trung dưới chân bia tưởng niệm để làm lễ khánh thành. Những rừng cây núi đá đã một thời chở che du kích, ngăn chặn bước tiến quân thù thì giờ đây cũng cùng chung một hoài niệm son sắt; lưu truyền cho muôn đời sau, giáo dục các thế hệ cháu con phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Hành Phước giàu đẹp, ấm no hạnh phúc…".


Phong Đăng
 


.