Bom, mìn sót lại sau chiến tranh: Hiểm họa khó lường- Kỳ 1: Nỗi đau dai dẳng

11:02, 25/02/2012
.

(QNg)- Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, thế nhưng hậu quả mà nó để lại chưa biết đến khi nào mới khắc phục xong. Hàng ngàn quả bom, mìn còn nằm trong lòng đất vẫn âm thầm giết người, gây ra nhiều nỗi đau không dễ nguôi ngoai.
 

Kỳ 1: Nỗi đau dai dẳng


Từ năm 1975 đến nay, Quảng Ngãi có gần 1.400 người chết và hơn 1.600 người bị thương do hậu quả của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Nhưng đó chưa phải là con số thống kê cuối cùng. Không năm nào trên địa bàn Quảng Ngãi lại không xảy ra những tai nạn bom, mìn thương tâm...



TAI HỌA BẤT NGỜ

Gần 30 năm qua, anh vẫn ngồi đó, lặng lẽ. Anh chợt khóc, chợt cười. Bầu trời trong mắt anh chỉ là khoảng không gian nhỏ bé lọt thỏm trong khung cửa sổ nơi góc nhà. Anh thẫn thờ, vô hồn với người thân quanh anh. Bởi lẽ, thần kinh của anh không còn như người bình thường nữa. Anh là nạn nhân của một tai nạn bom, mìn kinh hoàng. Anh là Võ Đức Quốc (52 tuổi), ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn).

Đại diện Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho anh Dương.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho anh Dương.


Trong ngôi nhà cũ kỹ, dột nát nằm sâu trong xóm nhỏ của gia đình anh Quốc, người mẹ già lom khom nhặt từng cọng rau trong vườn để chuẩn bị bữa cơm chiều cho người con bất hạnh. Từ ngày anh Quốc gặp tai họa đến giờ, mẹ anh- bà Hồ Thị Trình, nay đã ngoài 85 tuổi, chưa biết đến nụ cười là gì. Bà đau, nỗi đau của một người mẹ sắp về thế giới bên kia mà đứa con trai ngoài 50 tuổi vẫn ngu ngơ. Trong đôi mắt sâu thẳm của bà, hình ảnh chàng thanh niên Võ Đức Quốc khỏe mạnh, yêu đời ngày nào như vẫn còn hiển hiện. Đến bây giờ, bà Trình vẫn không muốn tin bom, mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi vĩnh viễn của bà một người con và để lại trên đời một người con vô hồn.

Đôi mắt bà Trình nhòa đi, môi run run nhớ lại khoảnh khắc tan thương ấy. Một chiều giữa tháng 7 năm 1985, khi vừa xuất ngũ, Quốc ra sau nhà dọn dẹp cỏ để bà Trình trồng mấy luống khoai lang. Quốc cùng em trai là Võ Đức Oai vừa làm, vừa vui đùa cho công việc bớt nhọc hơn. Bỗng một tiếng "ầm". Oai chết ngay tại chỗ, còn Quốc văng xa, máu me đầy người. Sau đó, Quốc được gia đình đưa đi cấp cứu. Tính mạng được giữ lại, nhưng Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề đến thần kinh. Quốc không còn nhận biết được gì... Thủ phạm gây ra nghịch cảnh này, theo người thân của Quốc cho biết là một quả bom bi, tàn tích của lính Mỹ- ngụy thời chiến tranh.

Thương em, thương mẹ, chị của anh Quốc là Võ Thị Hạnh, nay đã ngoài 60 tuổi, không chồng ở vậy để chăm sóc em cùng với mẹ già. Cố giấu đi những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên khuôn mặt khắc khổ, chị Hạnh nghẹn ngào: "Nhiều lúc Quốc lên cơn, chạy ra ngoài đường gặp ai cũng đánh, đấm túi bụi. Mọi người trong thôn từ trẻ em đến người lớn đều sợ. Cách đây mấy năm, trong lúc bị kích động, Quốc đã dùng dao chém cả cha mình, khiến ông bị thương phải đi viện". Nhưng người cha ấy giờ cũng đã không còn để chăm lo cho Quốc nữa. Ngôi nhà của anh Quốc lúc nào cũng ẩm thấp do mọi sinh hoạt của anh Quốc đều phải thực hiện tại chỗ. Thế nhưng, trong căn nhà ấy ba con người hằng ngày vẫn lầm lũi nương tựa nhau sống qua ngày. Nhìn Quốc bốc từng miếng cơm đưa lên miệng, bà Trình bật khóc: "Mẹ có sống đời với con được đâu, Quốc ơi!"...

Nỗi đau mà bom, mìn đã để lại cho gia đình bà Trình không bao giờ lắng dịu.

GIẤC MƠ BỊ "ĐÁNH CẮP"

Cũng là nạn nhân của bom, mìn như anh Quốc, nhưng anh Nguyễn Phú Dương (42 tuổi, ở thôn An Điềm 2, Bình Chương, Bình Sơn) vẫn còn may mắn khi không bị mất mạng. Thế nhưng, vụ tai nạn kinh hoàng đó đã để lại thương tật suốt đời cho anh. Thời điểm xảy ra tai nạn, anh Dương tròn 18 tuổi. Ngày ấy, cậu học sinh vừa học xong cấp 3 hồ hởi mang ba lô "con cóc" nương nhờ người bà con ở TP Quảng Ngãi trọ học. Bao ước mơ, hoài bão về giảng đường đại học được Dương quyết chí thực hiện. Dương thông minh, sáng dạ nên học hành "ra ngô, ra khoai". Giấc mơ trở thành thầy giáo dạy văn tưởng đã rất gần với Dương. Nhưng sự đời, mấy ai biết được điều gì đang chờ mình phía trước.

Ngồi trên chiếc xe lăn, với đôi chân tật nguyền, anh Dương kể: "Đó là một buổi trưa cuối tháng 6 năm 1986, mình đang ngồi ôn bài trước lan can nhà thì người cô của mình đem về mấy đống sắt vụn. Trong lúc phân loại phế liệu, cô vô tình đẩy một trái đạn cũ về phía mình đang ngồi. Mình cũng không biết là đạn gì nữa. Sau một tiếng nổ, mình hôn mê. Tỉnh dậy thì thấy đôi chân đã không còn lành lặn, cánh tay trái cũng rời xa mình mãi mãi...".

Những ngày sau đó, Dương chìm trong nỗi tuyệt vọng. Thế là, những dự định cho tương lai của Dương đành gác lại. "Khi ấy, mình luôn nghĩ đến cái chết. Cuộc sống quanh mình thật tối tăm. Mọi thứ đối với mình không còn ý nghĩa gì cả"- Dương xót xa nhớ lại. Nhưng rồi, gia đình đã trở thành điểm tựa vững chãi giúp anh vượt qua biến cố của cuộc đời.

Không thực hiện được giấc mơ trở thành thầy giáo thì anh Dương làm bạn với văn chương. Cầm cây bút trên tay, viết lên những cảm nhận cuộc sống của mình là niềm vui, niềm hạnh phúc khôn cùng của anh Dương. Anh tâm sự: "Có lẽ văn của mình chưa thể so được với ai, nhưng đó là cách mình trải lòng với cuộc đời. Và, đời thì có buồn, có vui, có đắng cay nhưng cũng đầy ngọt ngào". Sự ngọt ngào mà anh nhắc đến chính là người phụ nữ đã tình nguyện chăm sóc anh và sinh cho anh một đứa con trai kháu khỉnh.

Những niềm vui hiện tại cũng chỉ phần nào giúp anh Dương quên đi số phận đau buồn của mình. Bởi trong lúc trò chuyện với anh, tôi thấy anh luôn phải cố giấu những giọt nước mắt cứ chực rơi. Mà trong cuộc đời, có ai thay đổi được quá khứ của mình đâu. Chấp nhận thực tại cũng đã là hạnh phúc. Nỗi đau thì mỗi người một kiểu, nhưng giọt nước mắt nào cũng mặn như nhau!...


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
(còn nữa)
 


.