Vàm Lũng ngày hội ngộ

04:10, 20/10/2011
.

Sau mấy chục năm giờ trở lại bến Vàm Lũng (Cà Mau), các cựu chiến binh Đoàn tàu không số ai cũng xúc động, bồi hồi khi gặp lại những con người, mảnh đất đã từng đùm bọc, chở che mình suốt những năm tháng vượt qua sự phong tỏa, truy sát gắt gao của địch để vận chuyển vũ khí cập bến và bảo vệ bí mật cho các con tàu. Những câu chuyện của một thời oanh liệt năm xưa, đã và đang thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết của thế hệ trẻ hôm nay.

Những chuyến hàng đậm nghĩa tình

Vượt chặng đường hơn 1000 hải lý, 9 giờ sáng 19-10, con tàu mang số hiệu HQ996 đã đưa Đoàn “Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” cập cảng Năm Căn (Cà Mau). Từ cảng Năm Căn, Đoàn hành trình tiếp tục cơ động bằng những chiếc ghe nhỏ để đến bến Vàm Lũng, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tham gia các hoạt động cùng tuổi trẻ địa phương và bộ đội Vùng 5 Hải quân đi thăm hỏi, tặng quà, trao nhà đồng đội, sổ tiết kiệm cho các gia đình cựu thủy thủ Đoàn tàu không số.

Cuộc hội ngộ của các cựu thủy thủ Đoàn tàu không số và người dân Vàm Lũng.
Cuộc hội ngộ của các cựu thủy thủ Đoàn tàu không số và người dân Vàm Lũng.

Vàm Lũng là địa danh huyền thoại về Đoàn tàu không số mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là nơi đầu tiên được Trung ương chỉ đạo mở tuyến đường biển ra Bắc. Vàm Lũng là bến chính của Nam Bộ và cũng là bến nhận hơn 60% vũ khí từ Bắc vào Nam, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngồi trên chiếc thuyền của người dân đất Mũi, đi trên dòng sông Bồ Đề, ngắm nhìn những ngôi nhà nép mình dưới rặng dừa nước, bụi đước, ông Nguyễn Minh Tâm, 67 tuổi, quê xã Nam Chính, huyện Tiền Hải (Thái Bình), cựu thủy thủ Tàu 41 không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của cảnh vật nơi đây.
 
Những ký ức của hơn 40 năm trước ông cùng đồng đội vượt Biển Đông mang theo vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc chi viện cho miền Nam lại ùa về trong tâm trí. Ông Tâm bồi hồi nhớ lại: "Tháng 12-1969, Tàu 41 của chúng tôi do đồng chí Nguyễn Hồng Lỳ là Thuyền trưởng, đồng chí Trần Quốc Chẩn là Chính trị viên, được giao nhiệm vụ vào bến Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau).
 
Quãng đường đi từ bến K20 (Hải Phòng) vào đến đây chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sóng gió, sự phong tỏa của tàu chiến, máy bay trinh sát của địch. Sau hơn một tuần, tàu chúng tôi vào đến gần bến, lúc đó khoảng 1 giờ sáng. Tàu vào gần bờ, chờ bến phát tín hiệu nhưng không thấy, nên phải vòng đi, vòng lại.
 
Đến khi thấy mấy đồng chí đội mũ tai bèo giơ tay hô nhỏ: “Dô đi, dô đi các đồng chí”…, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Đêm tối không nhìn rõ mặt, nhưng chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng của các đồng chí, đồng bào miền Nam khi nhận những khẩu súng, viên đạn, hàng hóa từ hậu phương  chuyển vào. Chuyến này tàu chúng tôi chở được khoảng 80 tấn vũ khí...".

Đi trong khuôn viên khang trang của UBND thị trấn Rạch Gốc, ông Nguyễn Văn Tân, 68 tuổi, quê phường Nghi Hải (Cửa Lò, Nghệ An), nguyên là thủy thủ Tàu 42 Anh hùng, bồi hồi nhớ lại: "Tháng 3-1966, tàu chúng tôi nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Chuyến đó, chúng tôi đã chuyển hàng thành công, an toàn. Chứng kiến quân và dân nơi đây chiến đấu với giặc Mỹ trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, nhất là vũ khí, chúng tôi càng hiểu rõ trách nhiệm của mình hơn...".

Tình người nơi đất Mũi

Tại buổi lễ đón các đại biểu Đoàn hành trình, chúng tôi vô cùng cảm động trước tình cảm nồng ấm của cấp ủy, chính quyền và tuổi trẻ địa phương. Vừa bước lên bờ, chúng tôi lần lượt được quàng lên cổ chiếc khăn rằn do chính tay các má, các chị may, cùng những lời thăm hỏi động viên chân tình.
 
Trong số những người tham gia đón Đoàn còn có những người đã từng tham gia du kích, lực lượng đón, tiếp nhận hàng và vũ khí từ những con tàu không số, bảo vệ bến bãi. Dẫu bao năm xa cách, tóc bạc, da mồi, nhưng khi gặp lại, họ vẫn nhanh chóng nhận ra nhau qua ánh mắt, nụ cười.
 
Đến từ rất sớm, bà Phạm Thị Lợi (Út Lợi), 63 tuổi, ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân không kìm được những giọt nước mắt vì bất ngờ, vui mừng khi gặp lại ông Đỗ Xuân Tâm (70 tuổi), phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn (Hải Phòng), nguyên thủy thủ Tàu 69 thuộc Đoàn 125. Trong những năm 1969 đến 1975, Út Lợi là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã, gia đình cách mạng nên được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ cùng mẹ (má Bảy) ngày ngày quan sát các tàu, thuyền ra vào khu vực Cửa khẩu Chim Đẻ để bảo vệ con tàu 69.
 
Bà Lợi kể: “Hằng ngày, chứng kiến cảnh giặc Mỹ đi càn, bắn giết người dân vô tội, anh trai tui cũng bị chết dưới họng súng của bọn chúng, nên tui rất căm hận và chỉ mong có ngày được trả thù. Được bảo vệ các chiến sĩ của những con tàu miền Bắc là niềm vinh dự của tui...”.

Đối với ông Đỗ Xuân Tâm, niềm vui lớn nhất mà bấy lâu ông hằng ấp ủ là được gặp lại những đồng đội cũ, cô bác ngày xưa, nay đã toại nguyện. Tay nắm chặt tay các đồng đội, ông Tâm cười rạng rỡ: “Ngày ấy, không có sự cưu mang, giúp đỡ của bà con ở đây thì tôi và các đồng đội của Tàu 69 sẽ không có những ngày như hôm nay...".

Đón nhận món quà do Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn trao tặng, bà Bông Thị Ừa, 75 tuổi, con gái của Anh hùng LLVT nhân dân, Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, nghẹn ngào nói: “Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã giúp các thành viên trong gia đình cảm thấy rất vinh dự, tự hào… Tui luôn giáo dục, động viên con cháu tiếp tục noi gương ông, cha của mình cố gắng trong học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội”.
 
Bạn Dương Thành Mộng, cán bộ Đoàn tỉnh Cà Mau, bày tỏ: “Được gặp gỡ các bác cựu chiến binh Đoàn tàu không số, chúng tôi có dịp hiểu hơn về những hy sinh, gian khổ mà các cha chú đã trải qua. Sau chuyến hành trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền về chiến công hào hùng của những thủy thủ Tàu không số cũng như tính độc đáo, sáng tạo của con đường huyền thoại trên biển. Có truyền thống làm điểm tựa, tôi tin tuổi trẻ quê mình sẽ lập nhiều chiến công, viết tiếp trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Theo QĐND

.