Giải mã bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển

08:10, 10/10/2011
.

Cùng với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam. Sau ngày giải phóng, bí mật của con đường Hồ Chí Minh trên biển đã dần được giải mã.

 
Một con tàu không số của Lữ đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng vào Nam. Ảnh tư liệu.
Một con tàu không số của Lữ đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng vào Nam. Ảnh tư liệu.

Trong các tư liệu từ phía bên kia (tức phía Mỹ) cũng từng đã có nhiều nghiên cứu về tuyến đường này - một tuyến đường đã chứng kiến cuộc đọ sức, đấu trí giữa một bên quyết duy trì sự tồn tại của con đường với bên kia là nỗ lực của hải quân Mỹ để phá hủy và đóng cửa con đường này, nhưng họ chưa bao giờ làm được.
 
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn trên biển, qua phân tích những tư liệu từ phía bên kia, những nhà khoa học sẽ làm sáng tỏ thêm một phần của lịch sử con đường huyền thoại trên biển Đông những năm chống Mỹ.
 
Những bức ảnh do máy bay Mỹ chụp được về chiếc tàu của Lữ đoàn 125 và con tàu 41 trên đường vào Nam. Tấm bản đồ cảnh giới bằng không quân và hải quân của Mỹ về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển và những hiện vật mà Mỹ thu được từ tàu 143 sau khi bị phát hiện tại Vũng Rô, sau đó quân đội Mỹ được đem về triển lãm tại Sài Gòn và công bố trên báo chí thời kỳ đó rằng, họ đã bắt được tàu của Bắc Việt chở 100 tấn vũ khí.
 
Vụ Vũng Rô được coi như sự cố kết thúc một thời gian đi biển thuận lợi của đoàn tàu không số khi mà đa phần các chuyến tàu đều tới đích an toàn do sự tồn tại của con đường được giữ bí mật rất tốt.
 
Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Học viện Hải quân kể lại: “Sau sự kiện Vũng Rô và một số sự kiện khác mà địch phát hiện ra đường đi của ta thì chúng rất kinh ngạc, choáng váng và không thể hiểu nổi tại sao Việt Cộng lại có thể làm những điều như thế. Địch đánh giá rằng, chiến sỹ ta phải rất giỏi, rất tài thì mới làm chủ được biển khơi như thế”.
 
Sự cố Vũng Rô làm phía Mỹ giật mình về khả năng vận chuyển của đối phương từ Bắc vào Nam. Từ đây, tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đổi khi những toán quân đầu tiên của hạm đội 7 đổ bộ vào Đà Nẵng. Có tới 40% lực lượng của Hạm đội 7 - lực lượng hải quân hùng mạnh bậc nhất thời kỳ đó được huy động vào việc ngăn chặn con đường tiếp tế trên biển. Một hàng rào cảnh giới hiện đại được Mỹ thiết lập trên biển suốt từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan cùng một hệ thống đồn bốt dày đặc dọc theo các con sông và kênh rạch của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hàng rào ấy tưởng chừng như không thể có một chuyến tàu nào từ miền Bắc lọt được vào miền Nam. Nhưng, mặc đạn bom dội xuống biển Đông, những đoàn tàu không số vẫn cập bến an toàn, đem theo hàng ngàn tấn vũ khí chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
 
Trung tá, Tiến sĩ Trương Mai Hương, Viện Lịch sử Quân sự cho biết: “Sau này qua một số báo, tài liệu ta thu được sau giải phóng, ta thấy phòng nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến lược và chiến thuật đều đã nhắc đi, nhắc lại việc kiềm tỏa gắt gao và chúng mơ hồ thấy rằng, việc vận chuyển bằng đường bộ lúc này hoàn toàn khó đến được bến bờ miền Nam và việc vận chuyển bằng đường biển là Việt Cộng có thể làm và việc ngăn chặn là hết sức khó khăn”.
 
Vượt lên bão tố và bom dội trên đầu, những con tàu của Lữ đoàn 125 vẫn ra khơi và tới bến. Một số con tàu chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt thì thủy thủ đoàn đã tự đánh đắm và tự thủ tiêu. Và cả những khi con tàu nghi binh không mang vũ khí bị rượt đuổi sít sao, thì những con tàu mang theo hàng trăm tấn vũ khí được ngụy trang như tàu đánh cá thật đã vào bến an toàn.
  
Sự tồn tại suốt 14 năm của một con đường “ vô hình” trên biển Đông là minh chứng cho sự sáng tạo, tinh thần chiến đấu ngoan cường và quyết tâm sắt đá của một dân tộc sẵn sàng chịu mọi hy sinh để giành thắng lợi.

Theo VTV

.