Kỷ niệm 45 năm chiến thắng đầu tiên của Hải quân Việt Nam

09:08, 02/08/2009
.
Lịch sử đã ghi nhận chiến thắng oanh liệt trận đầu của quân và dân miền Bắc (ngày 2 và 5/8/1964) là chiến thắng của sức mạnh chính trị và tinh thần của toàn dân tộc. Trong đó, Hải quân Việt Nam lần đầu xuất trận ghi công vẻ vang.
 
 
haiquan
Hải quân Việt Nam
45 năm trước, với ý đồ tấn công phá hoại miền Bắc Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã dựng ra “sự kiện vịnh Bắc bộ”. Trong trận chiến không cân sức ấy, Hải quân Việt Nam đã đáp trả hành động khiêu khích của đối phương bằng tình yêu Tổ quốc và lòng quả cảm vô biên...
 
Đêm 31/7 rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Maddox đã xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía bắc ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường.
 
Phân đội 3 bấy giờ gồm ba tàu 333, 336, 339 do đại úy Lê Duy Khoái - Đoàn trưởng Đoàn tàu phóng lôi 135 và trung úy Nguyễn Xuân Bột, phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333 được lệnh sẵn sàng xuất kích.
 
Rạng sáng 2/8, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất nhưng thật không may, khi ấy trời động. Gió mùa đông bắc, sóng cấp 4, cấp 5 đã khiến cả đoàn phải mất hơn 8 giờ mới hoàn thành chặng đường 100 hải lý, gấp đôi thời gian so với dự kiến. Tới Hòn Nẹ, Phân đội 3 lại nhận lệnh hành quân ngay vào Hòn Mê.
 
Nhận thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận, tàu Maddox cũng tăng tốc và chạy ra xa hướng về cửa Ba Lạt và dùng pháo lớn bắn dữ dội.

Với tinh thần dũng cảm, táo bạo, vượt qua lưới lửa dày đặc của địch, cán bộ, chiến sĩ trong Phân đội đã đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi vùng biển nước ta. Trên đường về căn cứ, Phân đội đã anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay địch, bắn rơi 1 chiếc và bắn bị thương 1 chiếc khác, ghi chiến công đầu đánh thắng hải quân và không quân Mỹ.
 
Ngay sau khi tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển của Việt Nam, đêm mồng 4 rạng sáng 5/8/1964, chính quyền Mỹ đã dựng lên “sự kiện vịnh Bắc bộ” vu khống hải quân ta tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế.
 
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình-Phó Bí thư Tỉnh uỷ  Quảng Ngãi (thứ 5 từ trái sang) và lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh thăm CBCS Hải quân Vùng 3 (7/2009). Ảnh: H.M
Lấy cớ thực hiện kế hoạch “mũi tên xuyên” đã được vạch ra từ trước, Mỹ sử dụng tối đa lực lượng không quân của hai biên đội tàu sân bay hòng tiêu diệt lực lượng hải quân ta trong ngày 5/8. Lực lượng Hải quân đã phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, lực lượng tự vệ, công an vũ trang đánh trả quyết liệt, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, bắt sống trung úy phi công Everett Alvarez .
 
Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2/8/1964, chiến thắng ngày 5/8/1964 đã mở đầu trang lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân: "Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều", đánh địch bằng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có, chiến thắng của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù với vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
 
Đây là chiến thắng mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề, thuận lợi, động viên khí thế tiến công, để quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ trong suốt những năm 1965-1972, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, cùng với miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mùa xuân năm 1975.
 

Những tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn

 

Tại vùng biển Cửa Hội, Thuyền trưởng tàu 187 Lê Văn Tiếu trong bom đạn của địch đã bình tĩnh điều khiển tàu và chỉ huy bộ đội đánh trả máy bay địch, khi bị thương một cánh tay phải dùng băng treo ngang ngực, tay còn lại vẫn nắm giữ điều khiển cho tàu cơ động và chỉ huy chiến đấu đánh trả nhiều đợt công kích của máy bay địch, đưa tàu trở về bến an toàn.

 

Tại Hòn La, tàu 175 chưa kịp cơ động, nhưng phát hiện máy bay địch bổ nhào ném bom, Thuyền trưởng Huỳnh Long Sơn đã lệnh cho các khẩu đội nổ súng, chủ động đánh địch trước. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước biển tràn vào, một số đồng chí bị hy sinh, bị thương, người này ngã xuống, người khác thay thế, vừa đánh trả địch, vừa bịt rò, chống cháy. Thuyền trưởng Huỳnh Long Sơn bị thương nặng nhưng vẫn vững vàng ở vị trí chỉ huy, động viên cán bộ, chiến sỹ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

 

Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân, đã băng mình dưới làn lửa đạn của địch để cấp cứu thương binh, tiếp đạn cho đồng đội, tàu bị trúng đạn, Nguyễn Văn Vinh đã khẳng khái nói với thuyền trưởng: "Tàu còn thì tôi còn, thuyền trưởng cho tôi ở lại chiến đấu đến cùng".

 

Đặng Đình Lống, pháo thủ 14,5 mm của tàu 146, trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964 đánh máy bay Mỹ ở Lạch Trường bị thương dập 1 chân đã dùng đai cột mình vào giá súng tạo thế đứng vững tiếp tục bắn máy bay địch, chân còn lại bị thương tiếp, nhưng vẫn chiến đấu và anh dũng hy sinh.

 

Binh nhất Đồng Quốc Bình trong khi đi công tác, thấy báo động đã chèo vội về tàu cùng đồng đội chiến đấu, 3 lần bị thương vào bụng, nén đau, tiếp đạn cho đồng đội bắn máy bay Mỹ... Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ, nắm vũng điều lệnh tàu và tinh thần tất cả vì con tàu thân yêu mới có ý chí và hành động cao cả như vậy.

 
 
 
Theo chinhphu.vn

.