Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Kỷ niệm khó quên

02:01, 14/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đến nay đã hoạt động cho ra sản phẩm được hơn 10 năm, góp phần đưa kinh tế Quảng Ngãi phát triển, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh. Đây là câu trả lời cho hiệu quả xây dựng NMLD ở Dung Quất, là sự lựa chọn đúng đắn của Chính phủ. Với tôi, thì NMLD Dung Quất cũng có kỷ niệm khó quên, khi trực tiếp tham gia hòa giải thành một vụ việc có yếu tố nước ngoài liên quan đến quá trình xây dựng nhà máy.
[links()]
 
Việc quyết định xây dựng NMLD số 1 ở đâu là quá trình đầy gian nan, nhưng cuối cùng thì Dung Quất được chọn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng lại gặp nhiều trắc trở. Ban đầu, Dự án hợp tác liên doanh với doanh nghiệp của Nga để xây dựng nhà máy, mỗi bên bỏ vốn 50%. Tuy nhiên, khoảng hai năm thì nhà thầu Nga bỏ cuộc, tiến độ xây dựng nhà máy bị chậm lại.
 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn đang xây dựng.                 ẢNH: H.T
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn đang xây dựng. ẢNH: H.T
Sau nhà thầu Nga rút lui thì nhiều công ty nổi tiếng như Total, Petronas... muốn tham gia dự án nhưng cuối cùng Tổ hợp nhà thầu Technip trúng thầu xây dựng những hạng mục chính của NMLD (gói thầu EPC 1+4). Technip có trụ sở chính tại Pháp và có các chi nhánh tại Tây Ban Nha, Nhật Bản, Malaysia, là nhà thầu có kinh nghiệm và có năng lực. Nhà thầu Technip khi thi công xây dựng các nhà máy thường chọn những nhà thầu phụ ở địa phương làm những hạng mục phụ, vì bài toán lợi nhuận kinh tế.
 
Để thi công công trình đồ sộ như NMLD thì nhà thầu phải sử dụng những cần cẩu khổng lồ để di chuyển, lắp đặt thiết bị, cấu kiện siêu trường, siêu trọng... Vậy là, Technip đã thuê nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có hợp đồng với Công ty TNHH Buổi Sáng, địa chỉ tại đường Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi) thuê một cần cẩu bánh xích 150 tấn Kobelko, có sải cẩu dài 73m. Cần cẩu này có thể vươn tới tương đương nhà 18, 19 tầng, hợp đồng thực hiện suôn sẻ được khoảng gần một năm. Vào một ngày đẹp trời, khi người điều khiển cần cẩu chưa đến làm việc, do yêu cầu của công trường cần phải quay cần cẩu qua hướng khác, quản đốc công trường (là người nước ngoài) sai một người lái cẩu không chuyên vận hành, để rồi chiếc cần cẩu khổng lồ vướng vào thiết bị khác dẫn đến gãy cần cẩu chính làm phát sinh tranh chấp.
 
Do các bên không tự thương lượng được với nhau, nên bên thiệt hại là Công ty TNHH Buổi Sáng có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh, yêu cầu Tổ hợp Technip bồi thường hơn 400.000 USD. Nguyên đơn trình bày đây là cần cẩu đặc chủng, mua từ Nhật Bản, muốn sửa chữa phải đặt hàng bên Nhật và chứng minh bảng báo giá được gửi từ Nhật. Khi đó, tôi là Chánh tòa Kinh tế, được Chánh án TAND tỉnh phân công giải quyết. Việc nhận đơn khởi kiện, xem xét đơn, yêu cầu bổ sung đơn... thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005 như những vụ việc khác. Tuy nhiên, đây là vụ án đặc biệt. 
 
Điểm đặc biệt đầu tiên là bên bị đơn đại diện cho Technip tại Việt Nam là người nước ngoài. Vào thời điểm đó ở Quảng Ngãi chưa có vụ án kinh doanh thương mại nào có yếu tố nước ngoài, những vụ án có yếu tố nước ngoài chủ yếu là án ly hôn. Một điểm đặc biệt nữa là vụ án liên quan đến công trình trọng điểm quốc gia, một công trình mà chúng ta lựa chọn mãi mới có được một nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm để xây dựng NMLD Dung Quất.
 
Với hai điều đặc biệt ở vụ án này nên tôi chuẩn bị rất chu đáo cho các buổi làm việc. Do có chút kinh nghiệm, nên tôi đã vận dụng vốn hiểu biết về người nước ngoài để làm việc với bị đơn. Đối với người nước ngoài, khi tiếp xúc với họ điều đầu tiên họ thích là sự thân thiện, gần gũi, không thể thiếu là “good morning” và “how are you”, tiếp theo là xã giao về công việc, quê hương, về những điều họ đã biết về Việt Nam, không quên nói một ít về cá nhân mình, về Tòa án Việt Nam. Họ là những chuyên gia giỏi, đã làm ở nhiều nước, có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, sống ở quốc gia văn minh, rất tôn trọng pháp luật, riêng người Pháp thì đã có “thương hiệu” là lịch sự nhất thế giới. Vì thế, thông qua giải quyết công việc, tôi muốn họ cảm nhận được dù làm việc với cơ quan pháp luật Việt Nam thì chúng ta vẫn thân thiện, không cứng nhắc, không gây căng thẳng. Bằng cách làm việc vừa theo pháp luật, vừa mềm dẻo, nên họ rất hợp tác trong việc trao đổi sự việc, nêu ra một vài lý do không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Một tín hiệu tôi nhận thấy là, họ chấp nhận chi trả hợp lý trên tinh thần sẽ thông qua Tòa án thương thuyết với nguyên đơn. Vì thế, khi kết thúc buổi làm việc đầu tiên, họ vui vẻ và muốn Tòa án giải quyết sớm.
 
Nhận thấy vụ án diễn biến theo chiều hướng thuận lợi nên tôi triệu tập hòa giải. Khi đến hòa giải lần thứ nhất, bên bị đơn có luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Trong buổi hòa giải này, tôi và thư ký chủ động đeo cà vạt. Đây cũng là điểm khác với thường lệ, vì không có quy định khi hòa giải phải đeo cà vạt, tuy nhiên để thể hiện sự trang trọng và để “lịch sự như người Pháp”, mục đích tạo ra ấn tượng để nguyên đơn và bị đơn cảm thấy không khí làm việc nhẹ nhàng hơn. Quả đúng như dự đoán, lần hòa giải này các bên đã có sự nhượng bộ, bên nguyên đơn đồng ý giảm một phần số tiền yêu cầu, bên bị đơn đồng ý bồi thường tăng lên so với ý kiến trước kia. Dù vậy, số tiền hai bên đưa ra vẫn còn “vênh” nhau. Do hai bên vẫn chưa thỏa thuận được, nên tôi động viên các bên nên tiếp tục suy nghĩ, Tòa án sẽ tạo điều kiện hòa giải lần nữa, quan điểm của luật sư bên bị đơn cũng đồng tình với Tòa án.
 
Lần hòa giải thứ hai, tôi và thư ký vẫn đeo cà vạt, các bên tiếp tục có những nhượng bộ, nhưng con số vẫn chưa chốt được. Vậy là, tôi gợi ý, nếu phải xét xử thì nguyên đơn phải lâu mới nhận được số tiền bồi thường, mà chưa biết là bao nhiêu, bị đơn cũng tốn nhiều thời gian đến Tòa sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thi công xây dựng nhà máy, vì hai đương sự đại diện tại Tòa án cũng đồng thời là chỉ huy cao nhất tại công trường thi công nhà máy, chưa nói nếu thi công chậm trễ lại bị chủ đầu tư phạt. Cuối cùng, sau khi cân nhắc thiệt hơn, thì các bên đã thỏa thuận được với nhau, bên bị đơn đồng ý bồi thường cho nguyên đơn số tiền 332.600 USD. Bảy ngày sau không có ý kiến thay đổi của hai bên, nên Tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, vụ án kết thúc.
 
Hòa giải thành một vụ án là niềm vui của Thẩm phán, nhưng vụ án này tôi thấy vui hơn vì giải quyết hòa giải thành một vụ án liên quan đến công trình trọng điểm quốc gia. Không những thế, sau khi hòa giải thành hai bên tiếp tục hợp tác làm ăn đến khi hoàn thành công việc. Còn về vụ án này, về sau trong nhiều Hội nghị sơ kết, tổng kết của TAND hai cấp trong tỉnh, lãnh đạo TAND tỉnh thường đưa ra để rút kinh nghiệm, xem đây như một điển hình về sự linh hoạt, mềm dẻo, lịch thiệp, nhưng cũng đủ trang nghiêm khi giải quyết những vụ án có yếu tố nước ngoài, để nhân rộng trong công tác giải quyết các loại án.
 
VÕ MINH TIẾN
 
 
 

.