Làng biển chuyển mình

10:01, 13/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bảo thế. Nhờ sản vật từ biển mà  làng quê nơi đây đã khoác lên mình “chiếc áo mới”, ngày càng khang trang, cùng những đội tàu công suất lớn ngang dọc trên ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
 
Kiên cường bám biển
 
Chúng tôi ghé thăm nhà ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, ở làng chài Gành Cả, xã Bình Châu vào buổi chiều cuối năm. Đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Ngọt vẫn say mê, gắn bó với biển cả. Chìa đôi bàn tay thô ráp, chai sạn và chi chít những dấu hằn của sợi cước, ông Ngọt trải lòng về những vui buồn của nghề biển. Cách đây gần 4 năm trước, trong lúc hành nghề ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông Ngọt bất ngờ bị tàu nước ngoài rượt đuổi, đâm va khiến cả con tàu bị nhấn chìm xuống biển. Dù giữ được tính mạng, nhưng không thể trục vớt được con tàu, khiến ông Ngọt thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Dẫu vậy, ông vẫn không bỏ cuộc. Một năm sau, ông vay vốn đầu tư đóng mới con tàu công suất 730CV để tiếp tục vươn khơi bám biển.
 
Vùng biển xã Bình Châu (Bình Sơn) nhìn từ trên cao.   Ảnh: MINH HOÀNG
Vùng biển xã Bình Châu (Bình Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH HOÀNG
“Nghề biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhiều lần đối mặt với thiên tai, nhân tai, nhưng tôi và những ngư dân ở làng Gành Cả vẫn can trường bám biển. Bởi Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường truyền thống bao đời của cha ông và đặc biệt với tôi biển như quê hương, khi xa là nhớ, nên còn sức khỏe thì tôi vẫn sẽ tiếp tục lái tàu vượt những lớp sóng bạc ra khơi”, ông Ngọt bộc bạch. 
 
Trở về từ chiến trường Campuchia, dù bị khuyết một chân, nhưng thương binh Bùi Ngọc Lượng (59 tuổi), ở làng biển Gành Cả vẫn nguyện gắn bó cuộc đời mình với sóng nước mênh mông. Hơn 35 năm bám biển, ông Lượng đã phấn đấu vượt lên trở ngại của cơ thể, để vừa đánh bắt hải sản phát triển kinh tế, vừa trở thành những "cột mốc sống" bảo vệ ngư trường, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Ông Lượng chia sẻ, ngần ấy năm hành nghề lặn, lưới rê giữa trùng khơi đã cho tôi thành quả là con tàu công suất trên 700CV, giúp gia đình tôi thu về cả tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ riêng tôi mà bao thế hệ ngư dân Gành Cả nói riêng và Bình Châu nói chung đã làm giàu từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Vậy nên, dù đối mặt với muôn trùng hiểm nguy, chúng tôi vẫn phải can trường bám biển, giữ gìn máu thịt của đất nước.
 
"Phố biển" bên chân sóng
 
Về xã biển Bình Châu bây giờ, nhiều người sẽ rất ấn tượng với quá trình đổi thay vượt bậc ở vùng quê này. Nhiều ngôi nhà mới nối nhau mọc lên khang trang, đường giao thông được bê tông kiên cố đến từng ngõ nhà.
 
Thương binh Bùi Ngọc Lượng (bên phải), ở làng biển Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn), kể chuyện can trường bám biển của ngư dân.
Thương binh Bùi Ngọc Lượng (bên phải), ở làng biển Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn), kể chuyện can trường bám biển của ngư dân.
Trưởng thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu Nguyễn Tiến cho biết, chỉ riêng xóm Gành Cả có khoảng 240 hộ dân, thì đã có hơn 90% hộ dân hành nghề đánh bắt hải sản trên biển. Nhờ bám biển mà cuộc sống của ngư dân nơi đây đủ đầy. “Khoảng 10 năm trở lại đây, ngư dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, nên đánh bắt rất hiệu quả, mang lại những chuyến biển bội thu. Phần lớn ngư dân đều xây dựng được những ngôi nhà mới hiện đại, khang trang. Vì vậy mà nhiều người hay ví von nơi đây như phố biển”, ông Tiến tự hào nói.
 
Theo thống kê, xã Bình Châu hiện có hơn 480 chiếc tàu cá có công suất từ 30CV trở lên. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng khai thác đánh bắt đạt khoảng 20 nghìn tấn.
 
"Bằng tình yêu với biển và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực cho ngư dân Bình Châu vươn khơi xa, sẵn sàng đoàn kết, giúp đỡ nhau bảo vệ ngư trường truyền thống của Việt Nam. Chính nhờ sự can trường bám biển, mà đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân địa phương không ngừng được nâng lên", Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Phùng Bá Vương bày tỏ.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 
 
 

.