Phát huy tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư

05:11, 28/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi chưa đạt như kỳ vọng. Toàn tỉnh cấp phép mới cho 2 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 25 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 85,499 nghìn tỷ đồng.
[links()]
 
Tuy vậy, dư địa để thu hút đầu tư vào tỉnh trong năm 2022 là rất lớn, nhất là sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh quyết định phê duyệt Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025 và giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan xây dựng tài liệu thông tin về các dự án, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Quảng Ngãi. Đánh giá về môi trường đầu tư của Quảng Ngãi, nhiều chủ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư cho rằng, Quảng Ngãi cần dựa vào thế mạnh của mình để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tích cực, kịp thời hỗ trợ DN, nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
 
Quảng Ngãi cần dựa vào thế mạnh cảng nước sâu Dung Quất để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Doosan Vina.              Ảnh: PV
Quảng Ngãi cần dựa vào thế mạnh cảng nước sâu Dung Quất để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cảng chuyên dụng của Doosan Vina. Ảnh: PV
Tổng Giám đốc Doosan Vina Jeong Young Chil: “Tỉnh làm cầu nối để các doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển”
 
Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần quyết liệt và nhanh chóng của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Mặc dù trong thời gian qua xuất hiện nhiều ổ dịch, đặc biệt là ổ dịch trong các KCN, nhưng đã nhanh chóng được khống chế. Doosan Vina cũng rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh, các phòng, ban chức năng và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã luôn đồng hành và quan tâm hỗ trợ Doosan Vina. Nhờ đó, đến nay gần 100% người lao động (NLĐ) của công ty tiêm vắc xin Covid-19 đủ 2 liều theo quy định. Chính phủ cũng hỗ trợ tất cả NLĐ công ty thông qua quỹ BHTN và những người bị cách ly y tế cũng đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ ý nghĩa. Công ty cũng luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là chính sách cơ khí trọng điểm đã giúp công ty có được một số lợi thế nhất định. Bên cạnh đó, khi chúng tôi gặp khó khăn, vướng mắc thì các cấp lãnh đạo luôn thể hiện tinh thần lắng nghe và hướng dẫn chúng tôi cách vượt qua những khó khăn. Đó là những yếu tố giúp Doosan Vina tồn tại và phát triển trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.
 
Đối với môi trường đầu tư tại Quảng Ngãi, ngoài lợi thế ưu đãi về đầu tư, về thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng, thì Quảng Ngãi có vùng biển nước sâu thuận tiện cho việc xây dựng cảng để xuất, nhập hàng hóa. Hệ thống cảng biển dồi dào, kết nối thông suốt với hệ thống các cảng lớn trong khu vực. Đây là một lợi thế khá lớn đối với các DN sản xuất thiết bị công nghiệp nặng như Doosan Vina. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có một nguồn lao động dồi dào, với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên rất thuận tiện cho việc đào tạo nhân lực.
 
Kiến nghị của chúng tôi đối với tỉnh là cần làm cầu nối để các DN hợp tác cùng phát triển. Chẳng hạn như siêu dự án của Thép Hòa Phát Dung Quất, công ty này có nhu cầu về một số trang thiết bị trong đó có cẩu trục vốn là một thế mạnh của Doosan Vina. Ngoài tự nỗ lực tạo mối quan hệ hợp tác với Hòa Phát, chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa để chúng tôi có thể có được đơn hàng cung ứng nội tỉnh trên phương châm “cùng nhau phát triển”.
 
Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất Nguyễn Anh Minh: “Tập trung vào thế mạnh để thu hút đầu tư”
 
Thay vì thu hút đầu tư một cách dàn trải, Quảng Ngãi hãy xác định tỉnh có thế mạnh gì thì tập trung thu hút đầu tư. Chẳng hạn, hiện tại Quảng Ngãi có cảng nước sâu, là một trong số ít cảng nước sâu của cả nước, thì nên tập trung vào các ngành nghề sản xuất cần đến cảng nước sâu, làm cơ sở để phát triển. Như các ngành cơ khí, cơ khí chế tạo... cần đến cảng nước sâu để vận chuyển máy móc, thiết bị, xuất nhập khẩu hàng hóa. Còn về phát triển du lịch, nên chăng chỉ phát triển ở đảo Lý Sơn thôi, còn trong đất liền thì hãy dành cho công nghiệp. Theo tôi, trong cùng một lúc thì không thể phát triển mạnh song hành cả 2 ngành công nghiệp và du lịch được. Chỉ có thể lựa chọn một ngành thôi, chứ chạy theo cả 2 lĩnh vực thì sẽ không hiệu quả.
 
Tỉnh cũng cần cân nhắc các ngành nghề, quy mô các dự án để thu hút đầu tư. Hiện tại, Quảng Ngãi đang có những DN lớn như Doosan Vina, Hòa Phát Dung Quất, Lọc hóa dầu Bình Sơn... nên cần tiếp tục hướng đến thu hút các nhà đầu tư là các DN lớn, dành quỹ đất cho các nhà đầu tư lớn chứ không nên tập trung vào các DN nhỏ. Bởi nếu “chẻ” nhỏ quỹ đất ra cho DN nhỏ sẽ manh mún và không tạo động lực phát triển.
 
Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Mai Văn Hà: “Môi trường đầu tư của Quảng Ngãi được cải thiện tích cực”
 
Chúng tôi đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch phát sinh, nhất là tại các KCN là điều kiện thuận lợi để DN duy trì sản xuất, kinh doanh. Sự quan tâm kịp thời, đưa ra các biện pháp phòng dịch phù hợp theo từng giai đoạn và thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, tiến hành tiêm phủ vắc xin, ưu tiên NLĐ tại các nhà máy sản xuất, KCN chính là sự hỗ trợ tốt nhất của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như địa phương với DN.
 
Sản phẩm thép xây dựng của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.  Ảnh: PV
Sản phẩm thép xây dựng của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: PV

 

Đối với môi trường đầu tư của tỉnh, những năm gần đây đã liên tục được cải thiện tích cực, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ số tính minh bạch. Bốn năm liên tiếp (2016 - 2019), chỉ số tính minh bạch của tỉnh đều đứng vào tốp 10 của cả nước. Các DN thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận thông tin. Trong quá trình thực hiện dự án, Hòa Phát luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh.

 
Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 có công suất 5 triệu tấn/năm, tạo việc làm cho 12 nghìn lao động trực tiếp của công ty và hàng vạn lao động của nhà thầu, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ. Dự kiến khi đi vào hoạt động ổn định, Khu liên hợp sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước tỉnh. Để tận dụng những thế mạnh về hạ tầng sẵn có tại KKT Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô công suất 5,6 triệu tấn, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với vốn đầu tư dự kiến 85 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát dự kiến sẽ triển khai đồng thời nhiều dự án khác như Cảng tổng hợp Hòa Phát Dung Quất, dự án sản xuất sản phẩm sau thép ống thép, tôn mạ...
 
Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành của Quảng Ngãi tiếp tục hỗ trợ DN trong giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân thuộc diện di dời... trong thời gian sớm nhất. Có như vậy mới đảm bảo tiến độ, hiệu quả các dự án đã cam kết với địa phương.
 
PH.DANH 
 
 
 
 

.