Người đưa cây ổi lên vùng cao Sơn Tây

02:11, 10/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù quê ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng anh Văn Công Củ lại chọn thôn Đắk Trên, xã Sơn Dung (Sơn Tây) lập nghiệp. Anh Củ chọn cây ổi để phát triển kinh tế và thành lập hợp tác xã (HXT) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm ổi cho nông dân.
 
 
Mở hướng đi mới
 
Năm 2015, thông qua một người quen, anh Củ cùng vợ con từ miền Tây Nam bộ chuyển về xã Sơn Dung sinh sống. Tài sản lớn nhất lúc đó của gia đình anh là chiếc xe máy trị giá 800 nghìn đồng. Để kiếm sống, anh mua các nhu yếu phẩm chạy rong ruổi khắp các xóm làng hẻo lánh trong huyện để bán. Từ nghề buôn bán “di động”, anh Củ có dịp tìm hiểu đời sống của đồng bào Ca Dong. Anh Củ nhận thấy, người dân ở đây phụ thuộc nhiều vào cây keo, cây cau, cây mì. Song, những loại cây này giá không ổn định. Điệp khúc "được mùa mất giá" và ngược lại cứ lặp đi lặp lại. Cũng có nhiều người dân được hỗ trợ cây trồng mới, hoặc mạnh dạn mua giống cây mới về trồng, nhưng không phù hợp với thổ nhưỡng hoặc kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo dẫn đến cây chết, hoặc không ra trái...
 
Anh Văn Công Củ (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi cho người dân khi mua ổi giống.
Anh Văn Công Củ (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi cho người dân khi mua ổi giống.
Anh Củ cho biết, tôi thấy đất ở Sơn Tây khá tốt nhưng nhiều cây ăn trái người dân trồng bị chết. Nhiều đêm suy nghĩ, lên mạng tìm tòi, cũng như vận dụng những kinh nghiệm trồng cây ăn quả lúc còn ở miền Tây Nam bộ, thế là tôi mua máy đo nồng độ pH về đo những thửa đất mà mình có ý định trồng ổi...
 
Chỉ mới "bén duyên" với "đất ngàn cau" vài năm, nhưng anh Củ nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ sự chỉ dẫn của anh và các thành viên trong HTX, nhiều họ dân người Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã nắm được kỹ thuật trồng ổi, góp phần đa dạng cây trồng ở địa phương.

Tính toán kỹ lưỡng, năm 2017, anh Củ quyết định mua giống ổi Rubi ruột đỏ, ổi lê từ Nam bộ về trồng trên mảnh đất rộng 1.000m2. Khoảng một năm sau, cây ổi ra trái. Ổi chín đến đâu thương lái đặt mua hết đến đó, dẫn đến cung không đủ cầu. Chỉ với 1.000m2 ổi, mỗi năm gia đình anh Củ thu lãi khoảng 50 triệu đồng.

 
"Không giống như những loại cây chủ lực khác ở miền núi, cây ổi sau một năm tuổi là bắt đầu cho thu hoạch và thu hoạch quanh năm. Vốn để trồng ổi ít, phù hợp với điều kiện đầu tư của người dân ở Sơn Tây", anh Củ chia sẻ.
 
Thành lập HTX, mở rộng quy mô
 
Năm 2018, anh Củ cùng 4 cộng sự ở huyện Sơn Tây thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Giàu, chuyên cung cấp ổi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm ổi cho người trồng. Hiện diện tích ổi của HTX đã lên đến 15ha, tập trung ở 2 xã Sơn Long và Sơn Lập.
 
Nhận thấy triển vọng từ cây ổi, chính quyền các xã, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ cho nông dân ở các xã mua ổi giống của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Giàu để cung cấp cho nông dân.
 
Anh Củ thu hoạch ổi trong vườn.
Anh Củ thu hoạch ổi trong vườn.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ở xã Sơn Tân cho biết, tôi được UBND xã hỗ trợ ổi giống từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Giàu cung ứng để trồng. Ổi đã hơn 6 tháng tuổi, vài tháng nữa là cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cái khó của trồng ổi là tốn nhiều công chăm sóc hơn cây keo. Nhưng lợi thế là được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cũng như đầu ra có HTX bao tiêu nên người trồng ổi như tôi rất yên tâm. Ngày trước trồng keo, phải mất 4 - 5 năm mới thu hoạch mà lãi rất thấp, rủi gặp bão lớn là thất thu...
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tây Lê Văn Cọng nhận xét, mô hình trồng cây ăn quả của anh Củ đang đi đúng hướng và hiệu quả. Các xã trên địa bàn huyện khi có dự án trồng cây ăn quả cũng chọn HTX của anh Củ để hợp tác. Sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm kinh tế của anh Củ được huyện, tỉnh đánh giá cao.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 

.