Giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

02:10, 18/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hơn 9 tháng qua. Vì thế, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh cần đề ra những giải pháp hiệu quả hơn.
[links()]
 
Một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay là nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương.
 
Dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nghiêm trọng
 
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Ngô Văn Trọng cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh nên hầu hết các doanh nghiệp (DN), nhất là DN trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh phải tăng chi phí sản xuất. Doanh nghiệp phải đầu tư thêm nguồn lực, thiết bị khử khuẩn, khử trùng, dung dịch phòng, chống dịch Covid-19; phát sinh các chi phí kiểm tra, xét nghiệm; trang bị dụng cụ bảo hộ cho người lao động; chi phí ăn ở cho người lao động khi bị cách ly, chi phí phục vụ sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi khi thực hiện “3 tại chỗ”...
 
Lao động làm việc tại KCN Tịnh Phong (Sơn Tịnh).
Lao động làm việc tại KCN Tịnh Phong (Sơn Tịnh).
Bên cạnh đó, công tác tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn; một số dự án chậm đầu tư theo kế hoạch; các DN không thể mở rộng đầu tư như dự kiến. Một số DN phải giảm công suất, sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Hoạt động xuất, nhập khẩu của DN cũng bị chậm lại. Ngoài ra, nhiều DN phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất, vì các hạng mục mua sắm vật tư, thiết bị từ nước ngoài bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng do các công ty sản xuất hàng hóa thiếu hụt nhân sự. Nhiều đơn hàng sản xuất không thể giao đúng tiến độ, bị dời lịch giao hàng do khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa dẫn đến chi phí vận chuyển tăng theo...
 
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái, dịch Covid-19 khiến việc theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Các hoạt động tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư để xúc tiến, mời gọi đầu tư vào tỉnh cũng không thực hiện được. Công tác triển khai lập quy hoạch tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, do các đoàn chuyên gia của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh chưa thể sắp xếp thời gian đi thực địa, thu thập dữ liệu, làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc đi lại, tiếp xúc bị hạn chế...
 
Dịch vụ du lịch và vận tải là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, sản lượng vận tải giảm trung bình hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch cũng giảm mạnh, trong 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 209 nghìn lượt khách, giảm 32% so với cùng kỳ (đạt 21% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế giảm 59%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 195 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Khoảng 90% lao động trong lĩnh vực du lịch mất việc làm, phải chuyển đổi nghề hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nhiều DN, cơ sở kinh doanh du lịch không đủ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh và giữ chân lao động...
 
Kiểm soát tốt các nguy cơ để phục hồi kinh tế
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho rằng, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã có sự thay đổi, vì vậy công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Từ chỗ quyết tâm chặn đứng dịch Covid-19 với mong muốn không có ca nhiễm nào trong cộng đồng, thì hiện nay phải chấp nhận có phát sinh F0 trong cộng đồng nhưng ở mức độ ít nhất có thể. Từ đó kiểm soát, khống chế, quản lý hiệu quả dịch, nhằm phục vụ mục tiêu mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
 
Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng chia sẻ: "Đạt "zero Covid" sẽ là một điều rất khó khăn, vì ngay tại những nước phát triển có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19". Vậy nên, giải pháp thúc đẩy phục hồi tốt nhất đối với tỉnh ta là kiểm soát tốt các nguy cơ và áp dụng phù hợp, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là đối với các DN sản xuất.
 
Cùng với đó là, tranh thủ cơ hội từ khả năng phục hồi của các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước; phục hồi nhanh, bền vững và thích ứng với những thay đổi về cách thức, mô hình và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối, hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương hỗ trợ cho người lao động, các DN... để vực dậy các khu vực sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.