Quản lý và giám sát ngư dân gặp khó khăn

08:09, 17/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đang chuẩn bị vào màu mưa bão, nên sẽ có nhiều tàu cá của ngư dân trong tỉnh trở về địa phương để neo đậu, tránh trú bão. Điều này gia tăng áp lực cho việc bố trí nơi neo đậu và quản lý ngư dân ddđối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
[links()]
 
Tăng cường kiểm soát
 
Bão số 5 vừa qua, 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và Lý Sơn đã sắp xếp, bố trí 1.700 tàu cá, với 6.800 lao động về neo đậu, tránh trú bão. Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ), mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm chủ phương tiện tàu cá đến làm thủ tục cập cảng. Để vừa giúp ngư dân kịp vào bờ tránh trú bão, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng bộ đội biên phòng cùng với chính quyền địa phương, ngành y tế tăng cường nhân lực, tập trung làm thủ tục khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh (RT-PCR làm sau) cho tất cả lao động trên tàu cá trước khi lên bờ.
 
Người dân xã Tịnh Kỳ giúp ngư dân vùng phong tỏa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra và buộc lại dây neo tàu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Người dân xã Tịnh Kỳ giúp ngư dân vùng phong tỏa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra và buộc lại dây neo tàu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Hai cảng Tịnh Kỳ và Tịnh Hòa cũng tiếp nhận và sắp xếp, bố trí gần 400 tàu cá của ngư dân về neo đậu, tránh trú bão; trong đó, có nhiều tàu cá của ngư dân trong vùng phong tỏa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Vì thời gian neo tàu lâu, cộng với mùa mưa bão, nên một số  ngư dân Nghĩa An lo sợ tàu bị nước tràn vào khoang, nguy cơ chìm tàu. Vì vậy, trong 2 ngày 10 - 11/9, trước thời điểm bão số 5 đổ bộ đã có hàng chục ngư dân kiến nghị UBND xã Nghĩa An cấp giấy đi đường, để đến cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa theo dõi và quản lý tàu. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền và nhân dân xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa giúp đỡ nên ngư dân yên tâm chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong khu phong tỏa.
 
Theo Sở NN&PTNT, cơ sở hạ tầng của 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh xuống cấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu neo đậu, tránh trú tàu cá cho ngư dân. Vì vậy, vào mùa mưa bão, rất nhiều tàu cá của ngư dân phải neo đậu ở khu vực luồng lạch, gần cửa biển gây mất an toàn. “Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nỗ lực, sắp xếp bố trí tàu cá của ngư dân sao cho phù hợp nhất, khoa học nhất và an toàn nhất, gắn với tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương khẳng định.  
 
Theo dõi chặt chẽ ngư dân về từ vùng dịch
 
Cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hiện có trên 300 phương tiện, với 1.413 ngư dân cập cảng. Qua kiểm tra, Đồn Biên phòng Sa Huỳnh xác định, quá trình khai thác hải sản trên biển, phần lớn các tàu cá này đều ngắt, hoặc mất tín hiệu từ thiết bị giám sát hành trình. Do đó, ngay khi tàu cập cảng, ngành y tế và chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm soát và quản lý chặt chẽ; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm cho 1.265 ngư dân. Qua đó, phát hiện 2 ngư dân đi trên tàu cá QNg 94496 TS và QNg 94573 TS rời cảng Gianh (Quảng Bình) ngày 26/8 và cập cảng Sa Huỳnh ngày 28/8 dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
 
Chính quyền phường Phổ Thạnh đã đưa đi cách ly tập trung (CLTT) 1.227 ngư dân (trong đó có 144 ngư dân cập cảng cá ở địa phương khác, sau đó trở về địa phương bằng đường bộ) và cách ly tại nhà 82 ngư dân. Tuy nhiên, trước khi cơn bão số 5 đổ bộ, vẫn còn 232 ngư dân ở cảng Sa Huỳnh không chấp hành CLTT và chỉ có 84 ngư dân lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Chính quyền TX.Đức Phổ đã vận động, thậm chí yêu cầu cưỡng chế thì đến tối 11/9, số ngư dân trên mới chấp hành đi CLTT.
 
UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cách ly và những trường hợp ngư dân phải tự chi trả kinh phí CLTT, chính quyền các địa phương ven biển đã phối hợp với lực lượng biên phòng triển khai tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân trước khi cập bờ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, những ngư dân tại phường Phổ Thạnh thuộc diện CLTT có trả phí, nhưng không chịu trả phí, dù đã hoàn thành CLTT. “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, từ công tác quản lý đến thu phí. Sắp đến sẽ tiếp tục đón 34 tàu cá, với 211 lao động cập cảng Sa Huỳnh, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn, cảng cá cũng kín chỗ. Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp, quản lý tài sản của ngư dân tại cảng cá, cũng như phục vụ tại khu CLTT đang gặp rất nhiều khó khăn”, Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.