Phát huy vai trò hợp tác xã trong dồn điền đổi thửa

10:09, 18/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương vận động người dân triển khai những cách làm hay trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
[links()]
 
Chọn cách làm phù hợp
 
Xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) có tổng diện tích tự nhiên 1.460ha và hơn 12.300 nhân khẩu. Toàn xã có 620ha đất trồng lúa, phân bổ ở 7 thôn, nhưng do địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, manh mún, nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. 
Dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Năm 2015, thực hiện chỉ tiêu của UBND TX.Đức Phổ giao về kế hoạch DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng, giai đoạn 2015 - 2020, xã Phổ Thuận đã chọn xứ đồng ở tổ 8, thôn Vùng 4, với diện tích 16,7ha để triển khai làm điểm. Ban đầu, công tác DĐĐT ở địa phương gặp không ít khó khăn, do một số người dân không mặn mà, kinh phí hỗ trợ thấp so với chi phí đầu tư và người dân muốn nhận vị trí đất thuận lợi sau DĐĐT.
 
Trước khó khăn đó, UBND xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó đảng viên phải tiên phong nêu gương; đồng thời, giao cho HTX của xã phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. Trong khi chờ đợi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, HTX Nông nghiệp Phổ Thuận đã cho người dân ứng tiền trước để di dời mồ mả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Mặt khác, trong quá trình thực hiện đã đàm phán với đơn vị thực hiện theo cách: Đối với những cánh đồng dễ làm thì chi phí thấp hơn, số dư còn lại sẽ bù vào cánh đồng khó hơn, hoặc để xử lý các hạng mục khác.
 
Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổ Thuận Đỗ Thể cho biết, trước khi DĐĐT, chúng tôi cũng đã đi tham quan ở một số nơi để học hỏi cách làm. Tuy nhiên, sau đó nhận ra không thể áp dụng cách làm của địa phương khác, vì mỗi nơi có địa hình, đất đai khác nhau. Vì vậy, Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã đã họp rất nhiều lần và chọn cách làm phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Khi chỉnh trang đồng ruộng xong, tiến hành chia ruộng bằng hình thức bốc thăm nhận ruộng. Người dân thấy đây là cách làm phù hợp, nên hưởng ứng; sau khi được nhận ruộng, đa số đều hài lòng.
“Trong chương trình DĐĐT, các HTX là thành viên quan trọng trong ban chỉ đạo của địa phương. Với lợi thế phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nên các HTX đã phát huy được vai trò tham mưu chính cho chính quyền địa phương trong DĐĐT, tích tụ ruộng đất".
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh LÊ HẠNH
Nâng cao năng suất cây trồng
 
Từ chỗ thực hiện điểm, người dân 6 thôn còn lại của xã Phổ Thuận đã cùng đóng góp công sức, đất đai và tiền bạc để DĐĐT, quy hoạch lại mạng lưới giao thông và thủy lợi nội đồng. Qua 5 năm (2015 - 2020) thực hiện, xã Phổ Thuận đã DĐĐT được 590ha/620ha, vượt mốc thời gian và chỉ tiêu đề ra. 
 
Hiện nay, các cánh đồng ở xã Phổ Thuận khác biệt rõ rệt so với 5 năm về trước. Các xứ đồng đều có hệ thống giao thông liên vùng liên thửa, rất thuận tiện cho việc vận chuyển và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; mương tưới tiêu thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân thâm canh. Nhờ đó, trong những vụ lúa gần đây, năng suất lúa của xã Phổ Thuận đã tăng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ đạt khoảng 55 - 60 tạ/ha/vụ, nay đã nâng lên tới 60  - 65 tạ/ha/vụ.
 
Không riêng gì xã Phổ Thuận mà những năm qua, công tác DĐĐT do các HTX nông nghiệp ở nhiều địa phương đảm nhận chức năng tuyên truyền, giám sát, hỗ trợ đã tạo ra những bước bứt phá, người dân tin tưởng. Từ thành công của các HTX đi trước, đến nay, phần lớn các địa phương đều giao cho các HTX nông nghiệp chủ công trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện DĐĐT.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 

.