Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn: Nỗ lực duy trì mạch sản xuất, kinh doanh

08:09, 07/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm mạnh khiến Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tồn kho khối lượng rất lớn, nên phải hạ công suất Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất xuống còn 80%. Đây cũng là điều chưa từng xảy ra ở NMLD Dung Quất qua hơn 12 năm vận hành, sản xuất, kinh doanh.
[links()]
 
Chuyển hướng sản xuất
 
Theo lãnh đạo BSR, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, khiến mức tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất giảm xuống chỉ còn hơn 30%. Hiện tại, nhà máy đang tồn kho khoảng 640 nghìn mét khối xăng dầu các loại và dầu thô. Trước những khó khăn trên, BSR đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 80% mức công suất kỹ thuật tối thiểu; đồng thời đã gửi kho trên 120 nghìn mét khối các sản phẩm xăng RON 92/95 và dầu DO để bảo đảm duy trì vận hành nhà máy. Tuy nhiên, hiện tại công ty đang đối mặt với rủi ro không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy, nên có nguy cơ phải dừng hoạt động của nhà máy.
 
Cảng xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cảng xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ xăng dầu, BSR chuyển hướng sang sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu. Hiện tại, phân xưởng Polypropylene của NMLD Dung Quất đang vận hành ở công suất 115% và đã đưa ra thị trường các sản phẩm hạt nhựa PP mới như T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085, I3150  được khách hàng đánh giá rất tốt. Các sản phẩm hạt nhựa PP truyền thống như T3034 và I3110 đã được khách hàng đánh giá cao, ổn định hơn so với các sản phẩm ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
 
Đồng hành, chia sẻ với khó khăn của BSR, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các NMLD trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu và giảm bớt ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19 tới các đơn vị. Đây là động thái tích cực của tỉnh, nhằm góp phần giúp NMLD Dung Quất vận hành an toàn, liên tục, ổn định và giảm sức ép thừa cung xăng dầu trên thị trường.
Đến thời điểm này, BSR đã có 1.275 người lao động được tiêm mũi thứ 2, chiếm 85% số người lao động công ty. Đặc biệt, trong đợt tiêm ngày 25 - 26/8 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã dùng xe chuyên dụng lưu động đến NMLD Dung Quất để tiêm cho 583 cán bộ, công nhân viên đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu trong nước
 
Theo thống kê của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của doanh nghiệp trong tháng 8 giảm hơn 40% so với kế hoạch. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều tỉnh, thành phố, sản lượng bán lẻ của PVOIL giảm đến 80% tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; giảm 60% tại Hà Nội; tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%, dẫn đến tồn kho xăng dầu tăng cao.
 
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trong đó, Bộ Công thương yêu cầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các tập đoàn, tổng công ty, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, các doanh nghiệp nhập khẩu đường chia sẻ với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu. 
 
Giao Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các NMLD trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 
 
 

.