Ô nhiễm rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản

10:08, 11/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế, trong các loại rác thải nhựa trên các bãi biển, rác thải nhựa có nguồn gốc từ lĩnh vực thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất.
[links()]
Từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường trong khai thác, nuôi trồng và mua bán thủy sản đã trở thành vấn nạn chung tại các địa phương ven biển của tỉnh. Trong đó, nổi cộm nhất là tình trạng người nuôi trồng thủy sản vứt bỏ các bao bì đựng thức ăn thủy sản ra môi trường; ngư dân không lắp đặt thùng chứa rác trên tàu mà xả trực tiếp rác thải xuống biển, không thu hồi lại các ngư lưới cụ hỏng như lưới, dây thừng khi đánh bắt... Những thói quen xấu này không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn đe dọa đến sự phát triển tự nhiên của các loài sinh vật biển. 
Nhiều cơ sở chế biến thủy sản tại Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã thay thế bao ni lông sử dụng 1 lần bằng thùng giấy để hạn chế rác thải nhựa.   Ảnh: ĐÔNG YÊN
Nhiều cơ sở chế biến thủy sản tại Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã thay thế bao ni lông sử dụng 1 lần bằng thùng giấy để hạn chế rác thải nhựa. Ảnh: ĐÔNG YÊN
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế về Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam, trong các loại rác thải nhựa trên các bãi biển, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng và khối lượng là phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ. Trong đó, tổng số lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản và liên quan đến thủy sản chiếm 44,8% về số lượng rác và 47,6% về khối lượng rác thải, cao hơn cả rác nhựa từ nguồn sinh hoạt. Tại huyện Lý Sơn, trong số rác thải nhựa tại các bãi biển khối lượng rác thải từ hoạt động thủy sản chiếm đến 51,6%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
 
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải phát sinh từ lĩnh vực thủy sản, đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 687 về kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, từ năm 2021 - 2025, để nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, các địa phương phải tập trung tuyên truyền phổ biến đến 70% nông, ngư dân tại các vùng ven biển.
 
Để giảm thiểu sử dụng vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2025, 10% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường; giảm 30% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; 30% cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng vật liệu nhựa sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, các tàu khai thác thủy sản phải thu gom rác thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất mang về bờ. Riêng các khu bảo tồn biển, phải tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa trong phạm vi khu bảo tồn và chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý.
 
Yêu cầu đặt ra hiện nay là, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần căn cứ tình hình thực tiễn, bám sát kế hoạch hành động mà Bộ NN&PTNT đã ban hành để xây dựng kế hoạch, chương trình hướng dẫn ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thủy sản thực hiện nghiêm túc việc thu gom rác thải nhựa; từng bước thay thế các vật tư, dụng cụ nhựa một lần bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Có như thế, mới vừa phát triển kinh tế biển, vừa đảm bảo bền vững về mặt môi trường, sinh thái.
 
ĐÔNG YÊN
 
 
 

.