Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

09:08, 08/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã làm cầu nối liên kết giữa nông dân với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi để trồng bắp sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
[links()]
Giúp người dân có thu nhập ổn định
 
Trước đây, người dân ở xã Ba Vì (Ba Tơ) và nhiều xã lân cận chủ yếu trồng mía và mì, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, huyện Ba Tơ đã cho chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất mía, mì kém hiệu quả sang liên kết với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi trồng bắp sinh khối. 
Nông dân xã Ba Vì (Ba Tơ) thu hoạch bắp sinh khối để bán cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.
Nông dân xã Ba Vì (Ba Tơ) thu hoạch bắp sinh khối để bán cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.
UBND xã Ba Vì đã giao cho HTX Đồng Tâm đứng ra ký kết hợp đồng với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, làm cầu nối trong trồng trọt và tiêu thụ, giúp người dân an tâm sản xuất. Theo đó, trong vụ bắp đầu tiên, xã Ba Vì triển khai cho 13 hộ tham gia trên cánh đồng Gò Năng (diện tích 4,2ha). Ngoài ra, một số hộ trong xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp sinh khối.
 
Để tạo điều kiện cho người nghèo là đồng bào dân tộc Hrê ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Đồng Tâm đã đầu tư cho người dân giống, phân bón... theo hình thức trả chậm. Đồng thời, phối hợp với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng bắp sinh khối.
 
Ông Phạm Văn Tùng, ở xã Ba Vì, chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 0,5ha đất trồng mía, nhưng mấy năm rồi giá mía thấp, làm cả năm mà chẳng có lãi. Khi được HTX hướng dẫn chuyển đổi sang trồng cây bắp để bán cho trang trại bò sữa, tôi đã tham gia. Cây bắp trồng có 3 tháng, mà hiệu quả gấp ba so với trồng cây mía một năm”.
 
Các HTX đảm nhận nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ đã giúp người dân an tâm hơn. Từ đó, HTX sẽ có vai trò tích cực trong việc giảm chi phí sản xuất - tiêu thụ, ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
 
Hướng đến mở rộng vùng trồng
 
Nhận thấy hiệu quả kinh tế, vụ thu đông năm 2021 này, nhiều hộ dân ở xã Ba Vì đã đăng ký tham gia trồng bắp sinh khối, với diện tích tăng lên hơn 7ha và mở rộng ra các xã lân cận khoảng 3ha. UBND xã Ba Vì giao cho HTX Đồng Tâm tiếp tục là cầu nối, chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn người dân sản xuất và tiêu thụ; đồng thời, xã hỗ trợ người dân 50% chi phí làm đất và 2 máy bơm phục vụ nước tưới cho những khu vực thiếu nước trong mùa nắng.
 
Theo Giám đốc HTX Đồng Tâm Nguyễn Đức Tài, trong vụ đầu tiên, người dân còn e dè, nhưng khi thấy được hiệu quả mang lại, đã có rất nhiều hộ đăng ký tham gia. Do đó, HTX đang phối hợp với các xã Ba Tô, Ba Cung, Ba Xa (Ba Tơ) để mở rộng diện tích trồng, giúp người dân nơi đây thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập. Nếu người dân gặp khó khăn về chi phí đầu tư, HTX sẽ cho mượn vật tư đến khi thu hoạch mới trả.
 
Việc đứng ra làm cầu nối trong sản xuất và tiêu thụ bắp sinh khối đang được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện. Tại xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), vụ hè thu năm 2021, HTX Chuyên canh mía và Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Giang cũng đã ký kết hợp đồng với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi trồng 20ha bắp sinh khối. Giám đốc HTX Chuyên canh mía và dịch vụ nông nghiệp Tịnh Giang Châu Huy Cường cho biết: Nhiều nông dân trên địa bàn xã đã đăng ký trồng bắp sinh khối, vì họ thấy được hiệu quả so với cách trồng bắp truyền thống trước đây. Dựa vào nhu cầu của người dân, HTX sẽ ký kết hợp đồng với trang trại bò sữa để thu mua toàn bộ cho người dân.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.