Hành trình vượt khó

08:08, 14/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Cần cù, nhiệt tình, năng động” là nhận xét của nhiều người khi nhắc về anh Nguyễn Tấn Khả (43 tuổi), ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Đây là tấm gương nông dân vượt khó làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp.
[links()]
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có đông anh chị em, nên khi học xong lớp 12, anh Khả đã phải bươn chải nhiều công việc khác nhau. Đối mặt với cuộc sống khó khăn, anh Khả nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo. Năm 2008, anh quyết định vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm tại một xưởng cơ khí trong miền Nam, nhằm có một nghề ổn định. Sau hơn 2 năm tích lũy kinh nghiệm và chắt chiu vốn liếng, anh Khả trở về quê nhà mở xưởng cơ khí. Trong giai đoạn đầu, anh gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ bản tính cần cù, năng động, nên công việc dần ổn định và phát triển. 
Mô hình nuôi chim cu gáy cảnh của anh Nguyễn Tấn Khả, ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Mô hình nuôi chim cu gáy cảnh của anh Nguyễn Tấn Khả, ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Có việc làm ổn định, anh Khả đã nhận đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Khả chia sẻ, tôi đi lên từ gian khó, nên luôn thấu hiểu và sẵn sàng dạy nghề, giúp đỡ những thanh niên ở địa phương có việc làm ổn định trong khả năng của mình. Có nhiều học viên sau khi học nghề đã tự mở xưởng cơ khí và gầy dựng cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.
 
Không chỉ phát triển nghề cơ khí, anh Khả còn bắt tay vào nuôi thỏ New Zealand và chim cu gáy. Để nghề chăn nuôi phát triển, anh Khả đã đi học hỏi ở nhiều nơi và tích cực tham khảo sách vở, Internet để rút ra những kinh nghiệm hay. Cùng với đó, anh Khả đặc biệt chú trọng đến khâu tiêm phòng vắc xin định kỳ, đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống sạch và thường xuyên vệ sinh khử khuẩn khu vực chuồng trại. Từ số lượng nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, sau gần 6 năm, anh Khả luôn duy trì nuôi khoảng 1.000 con thỏ New Zealand, hơn 200 con chim cu gáy các loại. Thông qua việc chăn nuôi theo hình thức hữu cơ và tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, anh Khả đã liên kết với nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định.
 
Nhờ ý chí quyết tâm và sự cần cù, chịu khó, anh Khả đã vươn lên phát triển kinh tế từ chính đôi bàn tay của mình. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Khả thu về hơn 300 triệu đồng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh Phạm Hồng Nhân cảm phục, xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Khả đã biết tự lập, vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình kinh tế tổng hợp. Cùng với việc dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho thanh niên ở địa phương, anh còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm, hỗ trợ con giống cho nhiều hộ nông dân trong xã phát triển chăn nuôi.
 
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
 
 
 

.