Bánh tráng truyền thống đạt sản phẩm 3 sao

10:08, 11/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ bỏ công việc ở lĩnh vực quản trị kinh doanh, anh Lê Thái Cường (39 tuổi), ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) quyết định trở về quê gắn bó với nghề làm bánh tráng. Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và đặt trọn tâm huyết vào sự lựa chọn của mình, anh Cường đã gầy dựng nên thương hiệu “Bánh tráng gạo Huy Cường” đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao.
[links()]
Hơn 5 năm trước, anh Cường không may bị tai nạn giao thông nên trở về quê để nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Gia đình anh Cường làm nghề bánh tráng thủ công truyền thống. Thấy gia đình làm nghề vất vả, nhưng năng suất không cao, anh Cường đã nhen nhóm ý định thành lập cơ sở sản xuất bánh tráng với dây chuyền máy móc hiện đại. Sau nhiều tháng trăn trở, học hỏi các kiến thức trên Internet, anh đã từ bỏ công việc ở lĩnh vực quản trị kinh doanh, để nối nghiệp gia đình.  
Sau nhiều năm nỗ lực, anh Lê Thái Cường, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã gầy dựng thành công thương hiệu
Sau nhiều năm nỗ lực, anh Lê Thái Cường, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đã gầy dựng thành công thương hiệu "Bánh tráng Huy Cường" đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao.
“Khi biết tôi từ bỏ công việc chuyên ngành của mình, gia đình không đồng ý, không muốn tôi quay về với nghề truyền thống vất vả. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, hoạch định kế hoạch rõ ràng, tôi đã được gia đình chấp thuận. Từ quyết tâm cải tiến sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng, đa dạng hơn về mẫu mã tôi mạnh dạn vay mượn hơn 1 tỷ đồng đầu tư xây nhà xưởng, mua sắm dây chuyền công nghệ như máy xay bột, máy đánh bột, hệ thống máy tráng... thay thế hoàn toàn quy trình sản xuất thủ công của gia đình trước đây”, anh Cường chia sẻ.
 
“Với tôi, hành trình trước mắt còn nhiều việc phải làm, không tự mãn quá sớm với thành công. Muốn cơ sở phát triển bền vững, tôi tự nhủ phải thường xuyên tìm tòi cách làm hay, hướng phát triển mới phù hợp với xu thế của thị trường".
Anh LÊ THÁI CƯỜNG
Dù đã chuẩn bị kỹ các kế hoạch, nhưng khi bắt tay vào sản xuất, anh Cường gặp không ít khó khăn, vì đầu ra của sản phẩm thời gian đầu không như mong đợi. Không nản lòng, cùng với tăng cường đi khắp nơi quảng bá, tìm thị trường, anh Cường còn đặc biệt chú trọng vào khâu sản xuất đảm bảo chất lượng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ những đơn bán lẻ, dần dà bánh tráng gạo của anh được nhiều thương lái, doanh nghiệp, siêu thị ở trong nước bao tiêu sản phẩm. Sau thời gian dài nỗ lực, đến giữa năm 2020, bánh tráng gạo mang thương hiệu Huy Cường đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. 
 
Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh còn chế biến thêm dòng bánh tráng gạo lứt và đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao. Anh Cường bộc bạch: “Việc xây dựng thương hiệu đã khó, duy trì và khẳng định thương hiệu càng khó hơn. Với tôi, hành trình trước mắt còn nhiều việc phải làm, không tự mãn quá sớm với thành công. Muốn cơ sở phát triển bền vững, tôi tự nhủ chính mình phải thường xuyên tìm tòi cách làm hay, hướng phát triển mới phù hợp với xu thế của thị trường”.
 
Cũng theo anh Cường, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất bánh tráng, nên bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh tiêu thụ hơn 10 tấn gạo nguyên liệu. Hiệu quả đem lại từ mô hình này đã giúp anh có nguồn thu nhập khá, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi gần 300 triệu đồng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Thạnh Lê Thị Kim Thời cho biết: “Với sự năng động, dám nghĩ dám làm, Cường đã gầy dựng thành công thương hiệu bánh tráng cho riêng mình, tạo việc làm cho 7 lao động ở địa phương, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất bánh tráng bằng dây chuyền công nghệ của Cường đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn”.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 

.