Lão nông làm nông nghiệp hữu cơ từ câu chuyện quả táo thần kỳ Kimura

03:06, 11/06/2021
.
(Baoquangngai.vn) – Ngộ ra chân lý từ câu chuyện quả táo thần kỳ của nông dân Kimura (Nhật Bản), ông Lâm Văn Chánh, một nông dân ở huyện Mộ Đức chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường.
[links()]
Quanh quẩn suốt ngày với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc thú y. Ông bắt đầu sống chậm lại, trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu cách làm nông nghiệp bền vững. Đọc được câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura (Nhật Bản), ông ngộ ra đã đến lúc dừng chạy theo lợi nhuận trước mắt, chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường.

 

Từng chạy theo lợi nhuận trước mắt

 
Ông Lâm Văn Chánh (53 tuổi), ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức). Khởi nghiệp làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát bạc màu ở độ tuổi 45. Cái tuổi không còn trẻ, nhưng chưa phải là muộn để làm giàu.
 
Mất khá thời gian chúng tôi mới gặp được ông Chánh. Cuộc trò chuyện liên tục bị gián đoạn vì ông luôn bận rộn với việc lấy thức ăn, rượu tỏi cho đàn gà con; dắt bò vào chuồng; bơm nước tưới vườn thanh long… rồi mới vào trò chuyện tiếp với khách.
 
Vườn thanh long của ông Chánh sau những năm sai quả thì đổ bệnh.
Vườn thanh long của ông Chánh sau những năm sai quả thì đổ bệnh.
 
Cuộc gặp gỡ hết sức thú vị. Một nông dân chân chất, dáng người gầy gò, am hiểu kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ như một nhà khoa học thực thụ.
 
Ông Chánh kể: Năm 2013, ông bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp trên vùng đất cát bạc màu có diện tích 6.500 m2 của gia đình. Khi ấy ông trồng 500 gốc thanh long, hơn 200 gốc hồ tiêu, chăn nuôi 5 bò, vài chục con heo, dê. Gà, vịt thì mỗi năm nuôi khoảng 3.000 con.
 
Hồi đó rộ lên phong trào trồng thanh long ruột đỏ. Ông mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ vì nghe thông tin loại cây trồng này cho năng suất, lợi nhuận cao trong khi chưa có vốn kỹ thuật.
 
Một cây thanh long cho khoảng 10 kg quả, 1 kg bán từ 30.000 - 35.000 đồng, mỗi năm cho thu hoạch 4 vụ chính và 2 vụ phụ. Chỉ sau 2 năm nuôi, trồng, trang trại mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập rất lớn.
 
Thanh long, hồ tiêu cộng với chăn nuôi, mỗi năm ông kiếm được gần 400 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao, ông lạm dụng nhiều phân vô cơ, phân bón lá để kích thích cây thanh long tăng trưởng nhanh, cho quả sai.
 
“Mình đã từng chạy theo lợi nhuận. Cứ nghĩ đất cát, bón nhiều phân, thanh long cho trái trĩu cây, nụ phải bỏ bớt, để rồi sau đó thừa phân, đổ bệnh, thối nhánh, cây ủ rủ dần”- ông Chánh kể.
 
Gà bị bệnh nên ông phải lạm dụng thuốc thú y.
Gà nuôi từng bị bệnh nên ông phải lạm dụng thuốc thú y.
 
Ông dùng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn không chữa được bệnh nấm trên cây thanh long. Không chỉ thanh long, gà, vịt, heo… cũng đổ bệnh, ông lại lạm dụng thuốc kháng sinh. 
 
Nay phun thuốc bảo vệ thực vật, vài hôm lại thuốc sinh trưởng, thuốc thú y… trang trại vẫn xơ xác. Và ông bắt đầu sống chậm lại, trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu cách làm nông nghiệp bền vững.
 
 Ngộ ra chân lý nhờ câu chuyện Kimura
 
Nhận thấy mình sống trong môi trường toàn phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh... Ngày càng nhiều người bị bệnh ung thư. Ông ước ao làm nông nghiệp sạch, sống trong môi trường trong lành, an toàn sức khỏe cho mình và người thân. 
 
Ngộ ra chân lý làm nông nghiệp hữu cơ của Kimura, ông Chánh đầu tư nuôi trùn quế.
Ngộ ra chân lý làm nông nghiệp hữu cơ của Kimura, ông Chánh đầu tư nuôi trùn quế.
 
Trùn quế là thức ăn
Ông lấy trùn quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; phun trùn quế bón cho cây.
 
Lên mạng đọc được câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura. Kimura là người nông dân ở Nhật Bản mất 20 năm theo đuổi ước mơ trồng táo không sử dụng thuốc.
 
“Khi đọc được câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura, cảm xúc dâng trào trong đầu, tôi ngộ ra đã đến lúc dừng việc làm nông nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt, chỉ có làm nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường mới bền vững” - ông Chánh bộc bạch.
 
Qua tìm hiểu trên mạng và tham quan các mô hình của nông dân khác, ông quyết tâm nuôi trùn quế từ phân bò và sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình khép kín. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức, năm 2019, ông bắt tay vào xây dựng khu nuôi trùn quế.
 
Với 5 con bò, ông đầu tư khu vực nuôi 70m2 trùn quế sinh khối. Bò ăn cây cỏ, chuối trong vườn và cám gạo, cám mì, rơm, lấy phân bò ủ nuôi trùn quế. Trùn quế quay lại làm thức ăn cho bò, gà, vịt, heo; bón phân sinh khối trùn quế cho cây thanh long, hồ tiêu, cỏ cây, rau… trong vườn.
 
Gà vừa mới nở đã cho uống rượu dầm tỏi.
Gà vừa mới nở, ông Chánh đã cho uống rượu dầm tỏi để tăng sức đề kháng.
 
Từ heo bản địa ông cũng chuyển sang nuôi heo rừng lai vì loại heo này có sức đề kháng tốt hơn. Ngoài trùn quế, ông còn dầm rượu tỏi cho gà, vịt uống để tăng sức đề kháng. Quen với mùi rượu tỏi, gà, vịt của ông còn ăn được cả tỏi sống.
 
Lợi ích không ngờ
 
Quả thật từ ngày cho vật nuôi ăn trùn quế, uống rượu tỏi, ăn tỏi sống, ông Chánh quên luôn thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng. Trùn quế cho bất cứ con vật gì ăn cũng nhanh lớn, khỏe mạnh. Phân sinh khối trùn quế bón vào gốc cây hồ tiêu, thanh long, trùn đẻ kén trong đất, sinh sôi nảy nở ra trùn con.
 
Cứ luân hồi như thế, trùn sinh sôi nảy nở rất nhanh trong đất. Trùn quế đã giúp vườn tiêu tươi tốt hơn, vườn thanh long ủ rủ đã tăng được sức đề kháng, hồi phục rất nhanh, kháng được bệnh nấm tắt kè. Bởi trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi.
 
Với gia súc, gia cầm, trùn quế là loại thức ăn bổ dưỡng. Trùn quế chứa các chất hữu cơ, kháng sinh, enzyme tiêu hóa và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích cho vật nuôi, cây trồng.
 
Trùn quế là thức ăn
Làm nông nghiệp hữu cơ, ông Chánh nhận thấy nhiều lợi ích không ngờ.
 
Nếu trước đây, mỗi năm ông thu được gần 400 triệu đồng thì 2 năm qua, thu nhập giảm xuống còn khoảng 300 triệu đồng bởi vườn thanh long bị bệnh đang trong giai đoạn phục hồi nên giảm năng suất.
 
Tuy nhiên, cái lợi của làm nông nghiệp hữu cơ là rất lớn, lợi về môi trường, sức khỏe, cả thời gian chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm của trang trại ông Chánh luôn đắt hàng, thương lái đặt hàng trước, bán giá cao hơn thị trường.
 
Đã thấm nhuần tư duy và cách làm nông nghiệp hữu cơ, ông Chánh cho biết, sẽ quy hoạch lại trang trại và đẩy mạnh áp dụng mô hình này. Ông sẽ mở rộng dịện tích nuôi trùn quế để đủ phân sinh khối trồng thêm nhiều loại cây ăn trái, tăng số lượng gia súc, gia cầm.
 
Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh, ông Nguyễn Xuân Thái cho biết, đây là một mô hình rất hay, khuyến khích người dân nhân rộng. Mô hình sản xuất chăn nuôi hữu cơ khép kín của ông Chánh là mô hình đầu tiên ở xã Đức Thạnh. Địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện cho thuê đất cũng như vốn vay ưu đãi để ông Chánh đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất. 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.