Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản: Cần kiểm soát chặt chẽ

04:04, 22/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cũng như xây dựng nhiều gói cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, thị trường BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ dòng vốn này. 
[links()]
Ngân hàng đua rót vốn vào bất động sản
 
Năm 2020, thị trường BĐS trong nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dẫn đến “đóng băng”, khiến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực này gặp khó khăn. Bước sang năm 2021, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, để kích cầu tín dụng BĐS, hàng loạt ngân hàng đã đua nhau triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua BĐS với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ 4,99 - 10%/năm. Có ngân hàng áp mức lãi suất 5,9%/năm nếu ưu đãi trong 3 tháng, từ 6,79%/năm nếu cố định trong 6 tháng, hoặc từ 7,6%/năm nếu cố định trong 12 tháng đầu tiên. Còn lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính toán dựa trên một mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng, nhưng cũng chỉ ở mức 9 - 10%, giảm 1 - 2%/năm so với trước. 
Các ngân hàng đang dành nhiều gói cho vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu mua đất, xây dựng nhà ở của khách hàng. (Ảnh minh họa).
Các ngân hàng đang dành nhiều gói cho vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu mua đất, xây dựng nhà ở của khách hàng. (Ảnh minh họa).
Ngay từ đầu năm, BIDV đã tung ra gói vay vốn trung, dài hạn mới, với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân, với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên; trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5 - 7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm. Tương tự, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm; lãi suất sau ưu đãi sẽ được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ 3%. Vietcombank cũng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà ở, đất ở, căn hộ như gói ổn định lãi suất năm đầu tiên 7,29%/năm, gói “An tâm lãi suất” cố định 3 năm, với lãi suất 9%/năm hoặc cố định 18 tháng, lãi suất 8%/năm.
 
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết: Ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp dành cho phân khúc tiêu dùng, trong đó có cho vay tiêu dùng BĐS. Để đảm bảo chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực này, ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo đồng vốn lãi suất thấp đến với những khách hàng có nhu cầu thực sự, không cho vay để đầu cơ, lướt sóng.
 
Nhận thấy lãi suất cho vay mua nhà, mua đất có nhiều ưu đãi so với trước, chị P.T.K.T, ở huyện Bình Sơn đã quyết định rút số tiền tiết kiệm ở ngân hàng và vay thêm để mua nhà ở. Chị T chia sẻ: “Gia đình tôi đã có nhà ở, nhưng để tiện lợi cho con học tập và hai vợ chồng đi làm, nên khi thấy có người bán một căn nhà ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), tôi đã quyết định mua để ở. Song, do thiếu tiền nên tôi đã vay thêm 300 triệu đồng ở Agribank, với lãi suất ổn định 9%/năm”.
 
Kiểm soát chặt chẽ
 
Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường BĐS chưa khởi sắc. Chỉ có một số dự án khu dân cư ở các huyện đã đưa vào bán đấu giá, nhưng phần lớn những người mua là những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, hoặc có tiền nhàn rỗi tranh thủ mua khi giá đất “còn mềm”.
 
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sốt đất đang bắt đầu diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư vào chứng khoán, BĐS... dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” BĐS. Vì vậy, ngân hàng cho vay phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi được nợ gốc và tiền lãi. Trong bối cảnh lãi suất cho vay đang đổ mạnh vào BĐS, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào lĩnh vực này, “núp bóng” bằng hình thức vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
 
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tín dụng đối với BĐS có hai lĩnh vực, đó là tín dụng vào những đối tượng kinh doanh BĐS, những phân khúc thị trường cao cấp như các dự án nghỉ dưỡng, biệt thự... là những đối tượng mà ngành ngân hàng đang kiểm soát chặt chẽ, kể cả có những chế tài trực tiếp và gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng. Còn đối với lĩnh vực tín dụng đầu tư để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng BĐS như nhà ở thu nhập thấp, các phân khúc nhà giá rẻ, nhà thương mại phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân... vẫn được các Ngân hàng thương mại triển khai.
 
Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, Ngân hàng Nhà nước quy định hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS của các tổ chức tín dụng lên mức 200%; tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống, mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỷ đồng trở lên. Các tổ chức tín dụng cũng phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh BĐS. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải kiểm soát dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu/dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp không vượt quá 5% vốn điều lệ...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.