Rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển: Ngày càng bị thu hẹp

02:03, 24/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài thiệt hại do thiên tai, diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển của tỉnh còn bị thu hẹp do tình trạng chặt phá, lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản, hoặc phục vụ các công trình, dự án. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ven biển, mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, môi trường ở địa phương...
[links()]
“Rừng không chỉ chắn cát, gió, mà còn hạn chế tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển, góp phần bảo vệ đất đai, nhà cửa, hoa màu của người dân. Nếu không có rừng dương liễu, mùa nắng gió và cát sẽ tấp thẳng vào nhà, còn vào mùa mưa thì sóng biển uy hiếp”, ông Trần Xuân, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) cho biết. Tuy nhiên, mùa mưa bão năm 2020, hàng nghìn cây dương liễu dọc biển xã Phổ An bị bật gốc, gãy ngọn, nên gió, cát biển xộc thẳng vào nhà dân. Điều này khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhà thì “cửa đóng then cài”, cây cối và hoa màu bị hư hỏng vì gió, cát bụi bao phủ. 
Vì thiếu kinh phí, nên rừng ngập mặn chỉ mới tập trung khôi phục và phát triển ở các xã ven biển của huyện Bình Sơn.
Vì thiếu kinh phí, nên rừng ngập mặn chỉ mới tập trung khôi phục và phát triển ở các xã ven biển của huyện Bình Sơn.
Cùng với thiên tai, ở một số xã như: Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), Đức Minh (Mộ Đức) hay Phổ An (TX.Đức Phổ)... còn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm diện tích rừng phòng hộ ven biển để đắp ao hồ, dựng kho chứa vật tư... phục vụ nuôi trồng thủy sản. Dù vậy, việc xử lý những trường hợp vi phạm còn xuê xoa, nên tình trạng lấn chiếm vẫn luôn tái diễn. Như việc 47 hộ dân ở xã Phổ An lấn chiếm trên 5.600m2 rừng phòng hộ, để nuôi trồng thủy sản. Lẽ ra, cùng với việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng phải buộc những hộ này khắc phục bằng cách trồng mới diện tích rừng đã bị lấn chiếm. Thế nhưng, vì thực hiện chưa nghiêm, nên đâu lại vào đó.
 
Còn người dân ở các xã ven biển của huyện Mộ Đức cũng thấp thỏm âu lo, vì diện tích rừng phòng hộ liên tục bị thu hẹp, mà phần lớn là phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp. “Lợi ích của rừng ven biển là không thể đong đếm, càng không thể so sánh hay quy đổi nó thành doanh thu của sản phẩm này, nông sản nọ. Vì vậy, ngay từ đầu, tôi đã phản đối việc chuyển đổi rừng phòng hộ để thực hiện các dự án nông nghiệp”, ông Đ.T.V, ở xã Đức Minh bày tỏ.
 
Theo ông V, phải sống ở ven biển mới thấu hiểu vai trò của rừng phòng hộ, nhất là khi tình trạng xâm thực và sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Bỏ qua những trăn trở của người dân, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển vẫn phải “nhường” đất cho các dự án nông nghiệp. Song, khi mà hiệu quả của dự án nông nghiệp vẫn còn trên giấy, thì hậu quả đã hiện hữu. Đó là, xâm thực, sạt lở bờ biển ngày càng tăng; nhà cửa, cây cối và hoa màu của người dân thì bị hư hỏng.
 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, diện tích rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 30% chỉ trong vòng 10 năm (2010 - 2020). Mặc dù từ năm 2014 đến nay, các sở, ngành và một số địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các dự án trồng mới và khôi phục rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, nhưng diện tích “cát trắng, rừng trọc” vẫn còn nhiều. Hiện nay, rừng ngập mặn chỉ mới tập trung khôi phục và trồng mới ở các xã Bình Thuận, Bình Phước, Bình Trị, Bình Đông (Bình Sơn), với diện tích khoảng 200ha. Còn việc trồng mới, trồng dặm rừng phòng hộ thì trầy trật vì... thiếu kinh phí. Như 900ha rừng bị thiệt hại do bão số 9 năm 2020, hiện chính quyền địa phương chỉ biết vận động nhân dân tích cực chăm sóc để cây tự phục hồi, chứ chưa đủ kinh phí để trồng mới, trồng dặm!
 
Để “xanh hóa” rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở và xâm thực, khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bên cạnh sự góp sức của người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc, cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền các cấp. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực để khôi phục và phát triển những khu rừng đã bị thiệt hại; kiên quyết với các dự án, công trình ảnh hưởng đến diện tích rừng ven biển. Đồng thời, tăng chế tài xử lý, như buộc khôi phục lại hiện trạng rừng đối với những trường hợp lấn chiếm, chặt phá rừng.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.