Chuyển đổi cây trồng trên đất mì bị khảm lá

10:01, 31/01/2021
.
(Baoquangngai.vn) - Trong thời gian chờ nhân giống các giống mì chống chịu với virus khảm lá, đưa vào sản xuất đại trà, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng khác trên đất trồng mì.
[links()]
Tín hiệu lạc quan

Hai năm qua, gia đình ông Huỳnh Quang Một, ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm chịu cảnh thua lỗ khi trồng mì vì bệnh virus khảm lá. Cây mì bị nhiễm bệnh lá cong queo, củ thưa thớt, độ tinh bột thấp, tiền thu hoạch mì không đủ chi phí đầu tư, chăm sóc.

Với sự nhanh nhạy, vụ này ông chuyển 4 sào mì xen đậu phộng sang trồng đậu phộng, không xen mì. Ông dự tính sau khi thu hoạch đậu phộng sẽ trồng bắp. Diện tích ruộng của ông có lợi thế nước tưới vì sát bờ sông, có thể dùng máy bơm bơm nước lên tưới cho cây trồng.
 
Nông dân xã Nghĩa Lâm chuyển đổi cây trồng trên đất mì bị nhiễm bệnh khảm lá.
Cây đậu phộng thay thế cho cây mì.

“Cả  vùng này trồng mì đều bị nhiễm bệnh, có xuống giống cũng lại tiếp tục bị bệnh. Tôi tính 1 vụ trồng đậu phộng, 1 vụ trồng bắp, tuy tốn nhiều thời gian chăm sóc cũng như chi phí tưới tiêu, nhưng bù lại thu nhập không thua kém trồng đậu xen mì. Đây là giải pháp tốt nhất vào lúc này để cắt được nguồn lây bệnh trên cây mì”, ông Một lý giải.

Lão nông Tô Minh Công, người cùng thôn với ông Một cũng có thâm niên mấy chục năm gắn bó với cây mì đành bó tay vì mì bị nhiễm bệnh vô phương cứu chữa. Vụ này ông Công chuyển 2 sào đất trồng mì sang trồng ớt.

Ông Công nói: “Vụ trước, 1 sào mì tôi bán được vỏn vẹn 100.000 đồng. Giống mì mình trồng lâu quá bị thoái hóa, không có thuốc xử lý nay tôi chuyển sang trồng ớt. Cả vùng này giã từ cây mì. Khi nào có giống mới lại tiếp tục trồng mì”.
 
Xã Nghĩa Lâm chuyển gần 2/3 diện tích trồng mì sang cây trồng cạn.
Xã Nghĩa Lâm chuyển gần 2/3 diện tích trồng mì sang cây trồng cạn.

Xã Nghĩa Lâm là vùng chuyên canh cây mì, có diện tích cây mì lên đến 200ha cũng là vùng bị nhiễm bệnh khảm lá nặng nề. Sau khi thu hoạch mì vụ trước, người dân đã chuyển dần 130ha sang các loại cây trồng cạn như ớt, bắp, dứa hấu, các loại đậu… ở những diện tích có thể chủ động nước tưới.

Để cắt nguồn bệnh

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm Nguyễn Duy Nhịp cho biết, cây mì là cây chủ lực của địa phương, nhưng trong thời gian chờ nhân giống các giống mì chống chịu với virus khảm lá đưa vào sản xuất đại trà không còn cách nào khác là chuyển sang cây trồng khác để cắt nguồn lây bệnh.

Hội Nông dân đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo bà con chuyển sang cây trồng khác. Vấn đề đặt ra là làm sao khi chuyển đổi với diện tích lớn vẫn đảm bảo đầu ra cho nông sản?

“Ớt, dưa hấu thị trường tiêu thụ hầu hết là Trung Quốc, để tránh tình trạng ứ đọng, rớt giá vì mùa vụ thu hoạch cùng thời điểm tại Trung Quốc, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân xuống giống sớm. Như vậy đảm bảo vụ thu hoạch của mình sẽ sớm hơn mùa vụ thu hoạch tại Trung Quốc” - ông Nhịp nói.
 
Virus khảm lá tiếp tục gây hại trên cây mì
Virus khảm lá tiếp tục gây hại trên cây mì vừa xuống giống vụ mới.

 

Năm 2020, Quảng Ngãi có hơn 4.768ha mì bị nhiễm virus khảm lá, chiếm tỷ lệ hơn 30% diện tích. Niên vụ 2020-2021, Quảng Ngãi có kế hoạch sản xuất trên 14.530ha mì. Nhu cầu giống cần 125.275ha hom giống mới đảm bảo tổ chức sản xuất vụ mới.

Chi Cục trưởng Chi cục TT&BVTV, ông Phạm Bá khuyến cáo: Bà con cần chọn hom mì giống ở nơi không xuất hiện bệnh để trồng, tuyệt đối không chọn hom mì ở những thửa ruộng bị bệnh khảm lá. Đối với những ruộng mì xuất hiện bệnh trong vụ trước cần phải chuyển sang trồng cây khác trong vụ này.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay đã tìm ra được 8 giống mì mới kháng bệnh virus khảm lá, đã đưa vào khảo nghiệm, trong đó có 2 giống mì HN3 và HN5 là giống có khả năng kháng bệnh khảm lá tốt. Hơn nữa, 2 giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 được trồng phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình chọn tạo, khảo nghiệm, nhân giống đưa vào sản xuất phải mất thời gian 3-4 năm mới có các giống đưa vào sản xuất đại trà.

Vì thế, tại những vùng mì bị nhiễm virus khảm lá nặng, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống mì đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, lấy giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới, chuyển đổi cây trồng để cắt nguồn lây bệnh. Đây là giải pháp tối ưu đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.