Ngân hàng đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh

02:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp (DN) bước vào mùa sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
[links()]
Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
 
Còn chưa đầy hai tháng nữa là đến tết Nguyên đán, các DN, hộ kinh doanh đang bước vào mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm. Vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại đã tung gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn để kinh doanh của khách hàng. 
Nguồn vốn tại các ngân hàng đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân dịp cuối năm.
Nguồn vốn tại các ngân hàng đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân dịp cuối năm.
Tại Vietcombank Quảng Ngãi, hiện đang áp dụng gói cho vay ưu đãi 3 tháng, với lãi suất 5,8% dành cho tất cả khách hàng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Đây được xem là mức lãi suất rất cạnh tranh trên thị trường. Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết: Trong đợt bão lũ vừa qua, Vietcombank Quảng Ngãi đã thực hiện giảm 1% lãi suất trong 3 tháng cho 4.500 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, ngân hàng còn triển khai nhiều gói vay lãi suất thấp, giúp DN, người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tăng tiêu dùng.
 
Theo Giám đốc MB Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Thành, cuối năm là thời điểm kinh doanh sôi động nhất, vì vậy MB Quảng Ngãi luôn sẵn sàng nguồn vốn, xây dựng những gói tín dụng với lãi suất cạnh tranh, phục vụ nhu cầu sản xuất, dự trữ hàng hóa của DN, hộ kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
 
Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Vì vậy, Ngân hàng NN&PTNT, các quỹ tín dụng nhân dân, quỹ tín dụng nội bộ tại các hợp tác xã cũng đang tích cực đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tại vùng nông thôn.
 Tính đến cuối tháng 11.2020, tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 57.000 tỷ đồng, tăng 6,44% so với cuối năm 2019; tổng dư nợ cho vay ước đạt 51.200 tỷ đồng, tăng  2,53%; nợ xấu 1.200 tỷ đồng, chiếm 2,34%/tổng dư nợ. Dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 11.415 tỷ đồng; tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ 609 tỷ đồng, tương ứng với 157 khách hàng được hỗ trợ.
Lãi suất giảm, tạo đà cho vay
 
Thời điểm cuối năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng luôn được điều chỉnh tăng dần để có nguồn vốn dồi dào, phục vụ nhu cầu vay vốn cuối năm của DN, người dân. Tuy nhiên, năm nay lãi suất huy động không những không tăng mà lại liên tục giảm. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19, DN bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, nên không có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng lại không phải là kênh đầu tư hiệu quả, nên tiền nhàn rỗi vẫn “chảy” vào các ngân hàng. Vì vậy, hiện nay nguồn vốn tại các ngân hàng đang rất dồi dào. Đây là điều kiện để tạo đà giảm lãi suất cho vay, kích thích khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
 
Mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã chỉ đạo, đối với các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực, cho vay các công trình, dự án kinh tế trọng điểm. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ; giảm lãi suất, phí, lệ phí nhằm chia sẻ với người dân, DN đang bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch Covid-19...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.