Chấn chỉnh đầu tư công

09:12, 13/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn lực dành cho đầu tư công của tỉnh liên tục tăng, nhiều dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác đầu tư công trong 5 năm qua cũng có nhiều bất cập, hạn chế cần được chấn chỉnh kịp thời.
[links()]
Đầu tư công vượt kế hoạch
 
Theo Nghị quyết 32/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn cho cả giai đoạn này là 18.106 tỷ đồng, gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 12.812 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 5.293 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, rất nhiều lần UBND tỉnh có tờ trình trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nên tổng vốn đầu tư công không ngừng tăng lên. 
Dự án Trung tâm Hành chính mới xã Ba Giang (Ba Tơ) là dự án đầu tư khẩn cấp, nằm ngoài danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Dự án Trung tâm Hành chính mới xã Ba Giang (Ba Tơ) là dự án đầu tư khẩn cấp, nằm ngoài danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở KH&ĐT, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao lên đến 24.446 tỷ đồng. Trong đó, thực tế số vốn đã cân đối, bố trí hằng năm là 21.569 tỷ đồng (gồm 13.772 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 7.796 tỷ đồng ngân sách trung ương). Vào các năm 2016, 2018, 2019 còn bổ sung từ nguồn thu vượt dự toán HĐND tỉnh giao các năm, với số vốn 1.526 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Quảng Ngãi có 8 dự án lớn khởi công nằm ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn đã được phê duyệt, với nhu cầu phát sinh vốn lên đến 1.993 tỷ đồng.
 
Theo lý giải của Sở KH&ĐT, việc phát sinh dự án nằm ngoài kế hoạch trung hạn là do nhu cầu cấp bách về đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các điểm nóng về an ninh trật tự. Khi khởi công, nguồn vốn được bố trí từ nguồn vượt thu, sau đó tiếp tục chỉ đạo thực hiện bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác bố trí vốn và là nguyên nhân gây nợ tạm ứng kéo dài sang giai đoạn đầu tư trung hạn 2021 - 2025.
 
Cần chấn chỉnh kịp thời
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua việc bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, không bố trí kế hoạch vốn hoặc bố trí không đủ tỷ lệ (30%), nhưng vẫn khởi công; bố trí vốn chưa hợp lý; tạm ứng vốn chưa đúng quy định; hỗ trợ vốn có mục tiêu cho huyện chưa đảm bảo cơ sở pháp lý (dự án được hỗ trợ không nằm trong danh mục dự án đầu tư trung hạn). Một số công trình bố trí vốn khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư dẫn đến không thể giải ngân vốn. Vấn đề bất cập lớn nhất là, việc xác định nguồn vốn đầu tư công năm 2020 đã vượt quá khả năng thực tế nguồn lực địa phương. Do đó, vào những tháng cuối năm, tỉnh phải cắt giảm đến 1.000 tỷ đồng đầu tư công so với kế hoạch vốn trước đó và hàng loạt dự án đã bị "cắt" không triển khai...  
Đường Nghĩa Phương - Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển vùng.
Đường Nghĩa Phương - Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển vùng.
Năm 2020, hụt thu ngân sách tỉnh lên đến 5.110 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách tỉnh được hưởng hụt 3.203 tỷ đồng. Vì thế, nguồn lực đầu tư công, đặc biệt là vốn bố trí khởi công mới sẽ bị cắt giảm mạnh. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư công. Bất luận là được bố trí từ nguồn vốn nào, thì dự án cũng phải nằm trong danh mục đầu tư trung hạn, trừ dự án khẩn cấp, nhưng phải tuyệt đối tuân theo quy định đầu tư theo diện khẩn cấp.
 
Các huyện, thành phố, thị xã trong năm 2021 khi bố trí đầu tư công bằng nguồn vốn địa phương phải đảm bảo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Trả nợ, đối ứng, đối tác công tư, công trình chuyển tiếp và cuối cùng mới là bố trí cho công trình khởi công mới. Việc đầu tư dự án phải bám vào nguồn lực tài chính, chứ không chỉ bám vào việc dự án đó đã nằm trong nghị quyết, kế hoạch.
Tư Nghĩa là địa phương có số nợ xây dựng cơ bản lớn nhất tỉnh
 
Mới đây, UBND huyện Tư Nghĩa đã quyết định thực hiện dự án xây dựng quảng trường, hồ điều hòa trung tâm huyện, với tổng vốn gần 100 tỷ đồng. Trong khi nợ xây dựng cơ bản của huyện (công trình chưa quyết toán, công trình chuyển tiếp) lên đến 619 tỷ đồng. Đây là huyện có số nợ xây dựng cơ bản lớn nhất tỉnh. Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh, dự án này đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện nên cần thực hiện. Tuy nhiên, huyện xin ý kiến của tỉnh trước khi triển khai.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 
 

.