Câu cá mùa biển động

08:12, 31/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ là thú vui, câu cá ven bờ còn giúp nhiều ngư dân “vượt khó” trong mùa biển động, do tàu thuyền không thể vươn khơi...
[links()]
“Thay vì nghỉ trong mùa biển động, thì tôi túc tắc đi câu, vừa có nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, vừa kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, ông Trịnh Văn Thảo, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết.  
Ông Trịnh Văn Thảo, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) gỡ lưới, chuẩn bị “đồ nghề” để bủa câu.
Ông Trịnh Văn Thảo, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) gỡ lưới, chuẩn bị “đồ nghề” để bủa câu.
Theo kinh nghiệm của ông Thảo, mùa biển động, nhiều đàn cá dìa, cá nục, cá tà ma... sẽ vào bờ trú ngụ, tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, để cá “cắn câu”, ông Thảo phải lựa chọn cước, lưỡi câu và mồi câu phù hợp; đồng thời, phải “canh” con nước, hướng gió để neo thúng buông câu. Mỗi ngày, ông Thảo câu khoảng 4 - 5 giờ, thu nhập khoảng 300 - 400 nghìn đồng, hôm nào khá hơn thì được 700 - 800 nghìn đồng. Vào mùa biển động, nghề câu được xem là “cần câu cơm” của gia đình ông Thảo, cũng như nhiều hộ dân ở làng chài Phước Thiện.
 
Có nhiều cách câu cá, nhưng phổ biến nhất là câu thúng, với bộ dụng cụ gồm: Thúng chai, cần câu, ống câu và mồi là ngư dân có thể hành nghề. Địa điểm thường là những gành đá, cảng cá hoặc các vùng rạn ven bờ. Theo nhiều ngư dân làm nghề câu, câu cá tuy đơn giản, nhưng người câu cũng phải có “nghề” và kinh nghiệm, mới câu được các loại cá lớn, có giá trị cao, như: Cá đối, cá kình, cá căn... để cho thu nhập cao. Người có kinh nghiệm thường biết chọn những vùng nước; thời điểm nước lớn, nước ròng; lúc nào nhiều cá, kích cỡ các loại cá để sử dụng loại câu và mồi câu phù hợp... Mùa nước lặng, người dân thường câu chạy (dùng thúng chai hoặc thuyền máy di chuyển trên biển); còn khi biển động, nước đục lại xoáy, nên ngư dân phải lựa chọn khu vực, rồi neo thúng hoặc thuyền một chỗ để câu.
 
Không chỉ là thú vui, nghề câu cá ven bờ còn được nhiều ngư dân xem là “cần câu cơm” mùa biển động. Thậm chí, một số ngư dân còn phát triển thành nghề bủa câu (là kiểu dùng lưỡi câu thả thành hàng ngang chạy dài trên biển như đánh lưới) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Bốn, ở xã Bình Hải làm nghề bủa câu cho biết: “Nghề này có thể đánh bắt được nhiều loại cá lớn. Mỗi lần ra biển, tôi thả một nẹp câu với khoảng 100 lưỡi câu. Dây câu được thả xuống biển tầm 4 - 5 giờ là thu câu. Thu nhập cũng khá”.
 
Tuy nhiên, ngày biển động, sóng thường đánh mạnh, nước xoáy, nên các lưỡi câu thường bị rối, mất nhiều thời gian để gỡ. Nhưng bù lại, câu cá mùa biển động cho thu nhập khá, vì giá bán các loại cá cao. Mỗi ngày một chuyến câu, ông Bốn có thể thu nhập 400 - 500 nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng. Vì vậy, câu cá mùa biển động được ví là “cuộc mưu sinh thầm lặng” của ngư dân hành nghề khai thác hải sản ven bờ.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.