Ngư dân hối hả vươn khơi

04:11, 27/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trên địa bàn tỉnh tập trung vệ sinh tàu, kiểm tra, sửa chữa máy móc và ngư lưới cụ, chuẩn bị vươn khơi sau thời gian dài nằm bờ do mưa bão.
[links()]
Vượt khó bám biển
 
Sáng 23.11, Cảng neo trú  tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) nhộn nhịp tàu thuyền ra, vào cảng. Hàng chục chủ tàu tất bật phân công người vệ sinh tàu, kiểm tra thiết bị và ngư lưới cụ, chuẩn bị nạp nhiên liệu để vươn khơi chuyến biển cuối năm. “Tàu nằm bờ hơn 1 tháng, nên mình phải kiểm tra kỹ, nhất là hệ thống điện và khí ga. Nếu không hư hỏng gì nghiêm trọng, thì 5 ngày nữa tàu sẽ xuất bến ra khơi hành nghề lưới vây rút chì”, ngư dân Nguyễn Tấn Cư, xã Bình Châu (Bình Sơn), cho biết.  
Các lao động kiểm tra và cuốn lưới cho tàu ông Nguyễn Tấn Cư, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) để chuẩn bị vươn khơi chuyến biển cuối năm.
Các lao động kiểm tra và cuốn lưới cho tàu ông Nguyễn Tấn Cư, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) để chuẩn bị vươn khơi chuyến biển cuối năm.
Trong khi đó, ngư dân Phạm Tấn Vân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng vừa sơn sửa lại phần mạn tàu, vừa phân công lao động vá lưới, sửa chữa một số thiết bị và ngư lưới cụ bị hỏng, để kịp xuất bến vào đầu tháng 12. “Mùa biển chướng, lại đi dài ngày, nên mọi thứ phải được kiểm tra kỹ càng. Hy vọng thời tiết và chuyến biển cuối năm thuận lợi, anh em có thêm thu nhập sắm Tết”, ông Vân bày tỏ. Chuẩn bị cho chuyến biển dự kiến kéo dài 40 ngày, ông Vân đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua dầu, đá và các nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu.  
 
Còn tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), không khí cũng sôi động trở lại sau thời gian yên ắng do mưa bão. Một số tàu khai thác xa bờ lẫn vùng lộng, đã cập cảng vào sáng 23.11 để xuống cá. “Mưa bão dồn dập, tàu nằm bờ dài ngày, nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay khi chính quyền dỡ lệnh cấm biển, tôi tranh thủ vươn khơi để “đón đầu” luồng cá sau bão”, ông Phạm Nguyễn, xã Tịnh Kỳ cho hay. Vừa nói, ông Nguyễn vừa xuống 5 tấn cá, chủ yếu là cá cơm đỏ, cá sòng, cá hố... khai thác ở vùng biển khu vực vịnh Bắc Bộ.
 
Theo kinh nghiệm của ngư dân, sau bão thường có nhiều luồng cá, nên từ trung tuần tháng 11, sau khi bão số 13 suy yếu, nhiều chủ tàu công suất lớn trên địa bàn tỉnh đã quyết định vươn khơi, với hy vọng “trúng lộc”. Đồng hành cùng ngư dân,  Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, Văn phòng kiểm soát nghề cá tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn và hỗ trợ các chủ tàu thực hiện nhanh, gọn các thủ tục xuất, nhập bến.
 
Còn nhiều nỗi lo
 
Tại cảng  neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, hiện có hàng chục chiếc tàu công suất lớn, chủ yếu là tàu vỏ thép và tàu hành nghề lưới kéo phải tiếp tục nằm bờ. “Thân tàu bị bong tróc nhiều chỗ, máy móc và thiết bị trên tàu cũng trục trặc, nhưng giờ không có tiền để sửa chữa, vì ngân hàng không cho vay”, ông Trần U, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch. Theo ông U, chi phí mỗi chuyến biển thấp nhất cũng gần 100 triệu đồng, nhưng sản lượng hải sản khai thác thấp, nên “thu không đủ chi”.
 
Trong khi đó, bão số 9 cũng khiến nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng, vì có 167 phương tiện tàu, thuyền bị hư hỏng hoặc chìm. Song, do không đủ nguồn lực, nên phần lớn các chủ tàu phải đợi các đơn vị bảo hiểm chi trả tiền bồi thường, mới tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, theo ngư dân, những chiếc tàu này không biết sẽ nằm bờ đến bao giờ, vì đơn vị bảo hiểm trả lời, việc chi trả bồi thường phải tiến hành đúng các bước theo quy trình! Trong khi chờ đợi tiền bảo hiểm, một số chủ tàu phải đi bạn cho các tàu khác, để có thu nhập.
 
Bên cạnh những sự cố rủi ro do thiên tai, thì hiện nay, ngư dân còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc ngân hàng tăng cường quản lý chặt chẽ nợ vay và thận trọng trong việc giải quyết nhu cầu vay vốn của ngư dân; còn các chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép, đến giờ vẫn chưa triển khai thực hiện... Chính vì vậy, ngư dân rất mong các ngành chức năng kịp thời “tiếp sức”, để có điều kiện tiếp tục vươn khơi, yên tâm bám biển.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.