Doanh nghiệp dăm gỗ: Đẩy mạnh thu mua gỗ keo

10:11, 10/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 9 đã làm hàng nghìn hécta rừng trồng gỗ nguyên liệu ngã đổ. Để hỗ trợ người trồng rừng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất dăm gỗ đang tăng tốc thu mua, cũng như duy trì hoạt động bãi lưu chứa và giá đầu vào có lợi nhất cho nông dân.
[links()]
Người trồng rừng lo lắng
 
Sau bão số 9, các chủ rừng đều tỏ ra lo lắng khi số lượng keo ngã đổ quá lớn, nên giá thành thu mua sẽ giảm mạnh so với ngày thường. Nhiều nông dân trồng rừng cho biết, thường cây gỗ keo sau khi bị bật gốc, hoặc gãy đôi thì phải khẩn trương khai thác. Nếu để lâu cộng với thời tiết mưa nắng, thì chất lượng gỗ và trọng lượng sẽ giảm. Do đó, sau bão đa phần các chủ rừng đều tranh thủ khai thác chở đến các nhà máy để bán, hoặc bán tại rừng cho thương lái. 
Sau bão số 9, số lượng gỗ keo cần khai thác tăng gấp nhiều lần so với ngày thường vì cây keo ngã đổ nhiều.
Sau bão số 9, số lượng gỗ keo cần khai thác tăng gấp nhiều lần so với ngày thường vì cây keo ngã đổ nhiều.
Ghi nhận công tác thu mua gỗ keo ngã đổ sau bão trên địa bàn huyện Tư Nghĩa cho thấy, các DN và thương lái đều mua với mức giá khá ổn định. Ông Nguyễn Văn Thông, một thương lái cho biết, dù cây keo ngã đổ, thời tiết mưa liên tục và đa phần là keo chưa đến tuổi khai thác, nên sẽ tốn công khai thác, song giá mua vẫn duy trì như thời điểm trước bão.
 
“Cái khó hiện nay là số lượng gỗ cần khai thác quá lớn, nhưng nhân công lại hạn chế, vì người dân đều lo sửa lại nhà cửa hư hỏng sau bão. Người dân không trực tiếp khai thác mà có nhu cầu bán tại rừng, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà máy để tập trung thu mua, nhưng phải phân loại để khai thác. Trong đó, tập trung mua cho những hộ dân có cây gãy đổ lớn”, ông Thông nói.
 
Cũng như nhiều nông dân khác, ông Mai Đình Phu, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) có rẫy keo hơn 2ha bị ngã đổ, nên ông rất lo lắng vì sợ thương lái ép giá. Tuy nhiên, dù cây ngã đổ nhưng tư thương vẫn mua với giá 750 nghìn đồng/tấn (trừ 230 nghìn chi phí khai thác/tấn- PV). “Giá như vậy là nông dân trồng rừng chúng tôi đã có lãi, dù cây ngã đổ. Keo tôi mới gần 4 năm tuổi, nhưng không bị ép giá là rất mừng”, ông Phu nói.
 
Doanh nghiệp không ép giá
 
Để chia sẻ khó khăn với người trồng rừng, các DN thu mua và chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh đã công khai bảng giá. Theo đó, Công ty TNHH Nhất Hưng Trà Bồng ban hành bảng giá thu mua gỗ keo nguyên liệu tại nhà máy và công khai gửi đến người dân. Cụ thể, đối với gỗ keo có khối lượng dưới 7 tấn/xe được thu mua với giá 975 nghìn đồng/tấn. Đối với xe có khối lượng từ 7 tấn trở lên sẽ thu mua giá 985 nghìn đồng/tấn. Tương tự, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng mức giá như trên. Một số DN giá có thấp hơn, song không đáng kể, khi mức chênh lệch không quá 10 nghìn đồng/tấn.
 
Bên cạnh việc giữ giá thu mua ổn định, hầu hết các DN chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, nhất là các nhà máy dăm gỗ đã tiến hành duy tu máy móc, đẩy mạnh hoạt động thu mua gỗ, cũng như hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu khai thác gỗ tăng đột biến cho người dân.
 
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn Hà Nguyễn Văn Trí, để đáp ứng việc tiêu thụ gỗ nguyên liệu ngã đổ sau bão giúp nông dân, công ty đã chỉ đạo các bộ phận làm việc khẩn trương, tích cực và rút ngắn thời gia thu mua. Đồng thời, mở rộng khu vực chứa để đảm bảo việc lưu chứa khi lượng gỗ nhập về tăng gấp đôi so với ngày thường.
 
“Công ty giữ giá thu mua ổn định 975 nghìn đồng/tấn. đẩy mạnh thu mua và chế biến để đảm bảo quyền lợi cho người trồng rừng. Trước khi chưa có bão số 9, mỗi ngày công ty thu mua khoảng 700 tấn, nhưng nay phải thu mua từ 1.200 - 1.500 tấn/ngày. Dây chuyền sản xuất được vận hành hết công suất. Nhà máy luôn đồng hành cùng người dân trong việc thu mua gỗ keo ngã đổ, kể cả gỗ keo chưa đến tuổi khai thác nhưng ngã đổ. Chúng tôi luôn xem người trồng rừng là đối tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Trí nói.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.