Vùng chuyên canh rau màu: Nơi phát triển, chỗ chật vật tìm đầu ra

02:10, 09/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 90.000ha trồng các loại nông sản, trong đó các vùng chuyên canh rau màu chiếm hơn 1/4. Ngoài những nơi có đầu ra ổn định, cho thu nhập ổn định và phát triển mạnh, thì không ít địa phương nông dân phải chật vật tìm cách tiêu thụ sản phẩm.
Nơi ổn định đầu ra
 
Ngay từ khi mới thành lập, vùng chuyên canh măng tây với gần 8ha ở các xã Đức Chánh, Đức Thắng, Đức Thạnh, Đức Phong (Mộ Đức) đã được Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Đan Miền Trung đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Theo đó, các địa phương đã hình thành nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động theo mô hình chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.  
Sản phẩm măng tây ở huyện Mộ Đức có đầu ra ổn định. Ảnh: Đ.Diệu
Sản phẩm măng tây ở huyện Mộ Đức có đầu ra ổn định. Ảnh: Đ.Diệu
Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Linh Đan Miền Trung Phạm Quốc Tuấn cho hay: “Ngay từ khi triển khai, công ty đã liên kết với nông dân các xã để cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm sẽ được thu mua hằng ngày, với số lượng từ 150 - 200 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội. Việc bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định đã giúp nông dân vùng chuyên canh trồng măng tây yên tâm hơn trong sản xuất và phát triển kinh tế”.
 
Tại xã Đức Hiệp, sản phẩm từ cây đậu nành của nông dân đã được Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), Công ty CP Đường Quảng Ngãi, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, diện tích trồng đậu nành tăng lên, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, giúp người dân yên tâm sản xuất. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Hiệp Lê Văn Trường, sau khi được VinaSoy bao tiêu sản phẩm, nông dân rất yên tâm sản xuất. Trong thời gian đến, diện tích đậu nành của xã sẽ được mở rộng, với nhiều hộ tham gia thêm. Hợp tác xã sẽ liên kết chặt chẽ hơn giữa nông dân với nhà máy, để đảm bảo đầu ra ổn định.
 
Chỗ chật vật tìm nơi tiêu thụ
 
Ngoài những vùng chuyên canh nông sản được bao tiêu sản phẩm, thì nhiều nơi, người dân phải chật vật tìm đầu ra. Năm 2018, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) triển khai mô hình trồng rau sạch tại tổ dân phố An Châu, với hơn 1,6ha và 15 hộ tham gia. Để tìm đầu ra cho sản phẩm rau sạch, các hội đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân phải tìm cách quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không mấy hiệu quả.
 
Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Thới Nguyễn Quang Hiệp cho biết: “Hầu hết người trồng rau ở tổ dân phố An Châu phải tự tìm đầu mối để bán; trong đó bán cho tiểu thương ở chợ Châu Ổ và các chợ lân cận là chủ yếu. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể địa phương kêu gọi, quảng bá giúp. Hợp tác xã cũng từng liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn không bền vững”.
 
Để nông sản được các doanh nghiệp, công ty bao tiêu sản phẩm, thì việc trước tiên là phải sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Thế nhưng, do “ngại” với quy trình đăng ký nhãn hiệu, nên nông dân nhiều địa phương vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, dù đã quy hoạch, phân vùng sản xuất, trồng trọt. Đến nay, các vùng chuyên canh nông sản lớn trên địa bàn tỉnh như Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), Đức Nhuận, Đức Lân, Đức Phong (Mộ Đức), Bình Hòa, Bình Minh, Bình Hải (Bình Sơn), Phổ Quang, Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ)... đều sản xuất theo kiểu truyền thống và tự tìm đầu ra khi đến kỳ thu hoạch. Thế nên, rủi ro trong quá trình tiêu thụ sản phẩm là điều không thể tránh khỏi.
 
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá nhận định: “Quảng Ngãi có nhiều vùng chuyên canh nông sản với các sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh những sản phẩm ổn định đầu ra, cũng có không ít sản phẩm nông sản chật vật tìm nơi tiêu thụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như sản phẩm đơn điệu, không phong phú, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết bất lợi cũng gây khó khăn cho việc sản xuất, tiêu thụ. Để hình thành chuỗi liên kết, các địa phương phải có phương án, thống nhất với người dân; đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cam kết đảm bảo lượng hàng hóa, chất lượng để khi cung ứng ra thị trường được ổn định”.
 
ĐÌNH DIỆU
 
 
 

.